|
|
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng. Ảnh: Gia Huy |
Chiều 5/7, kỳ họp thứ 6 HĐND TP. Hà Nội khoá 15 đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP. Hà Nội và mức thu học phí đối với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2018-2019.
Báo cáo tại kỳ họp, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, mức thu học phí hiện nay ở mức thấp trong khung học phí theo quy định của Chính phủ (vùng thành thị có mức thu đạt tỷ lệ 36,7%; vùng nông thôn đạt tỷ lệ 45,8%; vùng miền núi đạt tỷ lệ 23,3% so với mức cao nhất trong khung học phí theo quy định của Chính phủ), ngoài ra các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy kinh phí còn lại (60% nguồn thu học phí) để chi phục vụ dạy và học còn rất hạn hẹp.
So với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đồng bằng sông Hồng, mức thu học phí bình quân của TP. Hà Nội ở mức thấp nên chưa huy động được nguồn lực từ sự đóng góp của người dân cho giáo dục.
Sau khi được HĐND thông qua, mức thu học phí từ năm học 2018-2019 đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2018-2019 với bậc nhà trẻ; mẫu giáo; THCS; THPT; giáo dục thường xuyên cấp THCS; giáo dục thường xuyên cấp THPT và với học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị (các phường, thị trấn) hiện hành là 110 nghìn đồng/tháng tăng lên 155 nghìn đồng/tháng (tăng 45 nghìn đồng/tháng).
Với học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn (các xã trừ các xã miền núi) mức tăng từ 55 nghìn đồng/tháng lên 75 nghìn đồng/tháng. Học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên đia bàn các xã miền núi tăng từ 14 nghìn lên 19 nghìn đồng/tháng.
Theo ông Dũng, số tăng thu học phí (chênh lệch giữa mức thu học phí đề xuất năm học 2018-2019 với mức thu học phí năm học 2017-2018), một phần để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại dành để chi sự nghiệp giáo dục hàng năm.
Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, mức thu học phí đề xuất phù hợp với khả năng chi trả của người dân Thành phố so với thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng. Mức thu học phí đề xuất tăng so với năm học 2017-2018, nằm trong khung quy định của Chính phủ, góp phần huy động nguồn lực từ sự đóng góp của người dân.
Tổng số thu học phí theo mức thu đề xuất dự kiến là trên 939 tỷ đồng; tăng trên 264 tỷ đồng so với năm học trước. Tiền thu học phí chiếm tỷ lệ 11,3% tống số chi hoạt động thường xuyên của các đơn vị. Vì vậy, dù học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
Cũng theo Sở GD&ĐT, việc điều chỉnh tăng mức thu học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương (riêng đối tượng nghèo và cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của Thành phố). Kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm học phí theo mức thu đề xuất khoảng trên 26 tỷ đồng.
Về Nghị quyết này, HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố làm tốt công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn hiểu và đồng thuận. Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, không để xảy ra việc lạm thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện và tình trạng dạy thêm, học thêm của các trường. Công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích và thực hiện nghiêm túc các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
Gia Huy (chinhphu.vn)