(BVPL) - Đầu năm học mới, các nhà xuất bản (NXB) tung ra thị trường rất nhiều loại sách tham khảo (STK) với đủ mẫu mã, chủng loại. Tuy nhiên, lướt qua nội dung không khó để phát hiện ra một điều, phần lớn các STK đều có nội dung “na ná” nhau, chỉ khác về cách trình bày, diễn đạt… Điều này khiến cho các em học sinh và phụ huynh rất khó lựa chọn.
 
Sách tham khảo tràn lan
 
Vào đầu năm học mới, ngoài sách giáo khoa, nhiều học sinh, phụ huynh tìm mua thêm sách tham khảo để mở rộng kiến thức và giúp các em học tốt.
  
Đánh vào tâm lý của phụ huynh, học sinh, các NXB đã cho ra đời các loại sách tham khảo từ lớp 1 đến lớp 12 với nhiều chủng loại, từ khảo sát, kiểm tra trên lớp cho đến luyện đề thi chuyển cấp, thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp, thi đại học…
 
Khảo sát thực tế một số nhà sách lớn tại Hà Nội, số lượng đầu sách tham khảo rất nhiều, đến từ các NXB như: NXB Giáo dục, NXB Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, NXB ĐHQG Hà Nội, … Mỗi NXB lại có hàng chục, hàng trăm đầu sách mỗi loại.
 
 Ảnh 1: Sách tham khảo tràn lan trên thị trường
Ảnh 1: Sách tham khảo tràn lan trên thị trường
 
Chỉ tính riêng NXB Giáo dục, môn Toán lớp 5 có trên 60 đầu sách tham khảo, môn Tiếng Việt lớp 5 có trên 50 cuốn, môn Tiếng anh lớp 9 có 18 cuốn,… Và rất nhiều đầu sách tham khảo thuộc các môn khác. Giá của mỗi đầu sách tăng dần theo cấp học.
 
Chị Hoàng Thu Phương (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Bé trai nhà mình năm nay học lớp 5. Mình tranh thủ đi mua sách tham khảo 2 môn Toán và Tiếng Việt cho bé có thêm kiến thức và học tốt hơn. Nhưng mà nhiều loại sách tham khảo quá, hoa hết cả mắt mà không chọn được quyển nào. ”
 
 Ảnh 2: Phụ huynh khó khăn trong việc lựa chọn sách tham khảo cho con
Ảnh 2: Phụ huynh khó khăn trong việc lựa chọn sách tham khảo cho con
 
Chất lượng sách không đảm bảo
 
Nhìn bề ngoài, chúng ta thấy STK rất đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã nhưng soi xét, đọc kỹ nội dung mới thấy rằng, phần lớn STK chỉ lấy lại bài tập, phần luyện tập trong SGK để giải mà ít có phần hướng dẫn hay gợi ý để học sinh tự làm bài. Thậm chí, nhiều cuốn còn bê nguyên xi nội dung của sách dành cho giáo viên. 
 
Tình trạng các loại STK có nội dung “na ná”  nhau do cùng người hoặc một nhóm tác giả biên soạn được các NXB khác nhau phát hành cũng khá nhiều. Vì vậy, nếu các bạn học sinh, phụ huynh mà không tinh ý, sẽ bị mua sách trùng lặp về nội dung.
 
Bạn Nguyễn Thu Thảo, học sinh lớp 9 trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho biết: “Năm nào em cũng mua thêm sách tham khảo để học. Năm nay cuối cấp, nên càng phải mua nhiều hơn để có thêm kiến thức. Theo em thấy có nhiều cuốn sách nội dung gần giống nhau, chỉ khác tiêu đề với cách sắp xếp. Như môn Văn, cuốn “Những bài văn chọn lọc” có nhiều bài giống với cuốn “100 bài văn hay”. Nên em chỉ chọn ra 1 cuốn có nhiều bài hay với tốt nhất chứ không mua nhiều.”
 
Đáng lo ngại hơn, nhiều cuốn STK biên soạn chưa đảm bảo, hiện tượng câu chữ, diễn đạt lôm côm, lủng củng, tối nghĩa,  ... nhiều vô kể. Có khi còn sai sót cả về kiến thức, nhầm lẫn sự kiện, thời gian, tên tác giả...
 
Theo cô Hà Khánh Linh, giáo viên môn Toán trường THCS Ba Đình, các loại STK hiện nay xuất bản tràn lan, riêng môn toán có rất nhiều đầu sách, nhưng không phải đầu sách nào cũng xuất bản có chất lượng. Ví dụ có sách lấy tổng hợp rất nhiều bài của các sách rồi xuất bản lấy tên khác, một số sách in còn sai lỗi chính tả, sai kết quả.
 
Cần lựa chọn tinh tế
 
Cô Khánh Linh cho biết: “STK có nhiều ưu điểm. Với những đầu sách có chất lượng, học sinh có thể tham khảo các bài cơ bản hoặc nâng cao ngoài sách giáo khoa. Qua sách tham khảo, học sinh tự trau dồi, mở rộng vốn kiến thức của mình. Ví dụ, môn Toán có sách chia thành các dạng cơ bản, lấy ví dụ minh hoạ kèm theo bài tập tự giải, sau đó mở rộng bài toán, bổ sung thêm các cách giải khác nhau.
 
Tuy nhiên, sách tham khảo cũng có một số nhược điểm. Nhiều sách tham khảo có lời giải sẵn, học sinh có thể ỷ lại, xem lời giải, thụ động trong việc giải bài. Học sinh sẽ chỉ chú tâm xem cô có ra đúng bài như vậy không để chép, chứ không có tư duy làm bài.”
 
 Ảnh 3: Cần tinh tế khi lựa chọn STK để tránh lãng phí
Ảnh 3: Cần tinh tế khi lựa chọn STK để tránh lãng phí
 
Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực từ sách tham khảo, nó giúp các em học sinh bổ trợ thêm nhiều kiến thức, mở rộng vốn hiểu biết. Tuy nhiên, với thị trường STK bão hòa như hiện nay, phụ huynh và các em học sinh cần lựa chọn tinh tế để không phải “mất tiền oan” với những cuốn sách kém chất lượng. 
 
Theo cô Linh, để chọn STK hay và chất lượng cần căn cứ vào các yếu tố: Thứ nhất, tác giả viết sách phải có tên tuổi, có kinh nghiệm, kiến thức vững vàng (giáo viên dạy môn nào sẽ biết được người viết sách tốt). Thứ hai, chọn nhà xuất bản có uy tín. Thứ ba, xem lướt qua sách để biết nội dung, cách trình bày xem có giống với những sách tham khảo khác không.
 
Ngoài ra, để có thể mua được sách có nội dung đồng nhất với chương trình học, các bậc phụ huynh và học sinh nên nhờ sự tư vấn của các thầy cô bộ môn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tư vấn cho các em học sinh để tìm mua sử dụng STK đã được chọn lựa, sử dụng hàng năm, tránh mua quá nhiều sách gây lãng phí.
 
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. 
 
Theo đó, xuất bản phẩm tham khảo được lựa chọn sử dụng trong các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các yêu cầu sau: Phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành đối với từng cấp học, lớp học; Đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính sư phạm và tính thẩm mĩ; Phù hợp với tâm, sinh lí lứa tuổi của đối tượng sử dụng; Không trái với văn hóa, lịch sử, địa lí, đạo lí và thuần phong mĩ tục của Việt Nam; Phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế; Có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; Đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và giữ vững chủ quyền quốc gia; Không vi phạm các quy định của pháp luật.

 

Lan Linh