Ngành Kinh tế giảm sức hút, Y và Sư phạm lên ngôi
Cập nhật lúc 12:11, Thứ sáu, 12/04/2013 (GMT+7)
Hôm qua (11/4) là ngày cuối thí sinh nộp hồ sơ theo hệ thống của Sở GD-ĐT, thống kê cho thấy ngành Sư phạm và Y trở thành lựa chọn hàng đầu của thí sinh khu vực TPHCM. Trong khi đó, ở nhóm ngành Kinh tế, lượng hồ sơ giảm mạnh. (sư phạm, thí sinh, sức hút, sở, giảm, hồ sơ)
(BVPL) - Hôm qua (11/4) là ngày cuối thí sinh nộp hồ sơ theo hệ thống của Sở GD-ĐT, thống kê cho thấy ngành Sư phạm và Y trở thành lựa chọn hàng đầu của thí sinh khu vực TPHCM. Trong khi đó, ở nhóm ngành Kinh tế, lượng hồ sơ giảm mạnh.
Ngoài ra, chưa thống kê chính thức nhưng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT TPHCM) cũng đã nhận được khoảng gần 12.000 hồ sơ của các trường THPT trên địa bàn gửi về. Số liệu đó còn tăng thêm vì đang chờ số hồ sơ đăng ký của học sinh khối GDTX.
Còn tại điểm thu hồ sơ tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cũng nhận được khoảng 12.000 hồ sơ, trong đó nhiều nhất là hồ sơ vào các trường: ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Y dược TPHCM, các trường thuộc ĐH Quốc gia TPHCM… Đáng lưu ý, hồ sơ vào ĐH Sư phạm TPHCM năm nay tăng đáng kế, từ vị trí 15 năm ngoái lên vị trí thứ 2 sau ĐH Sài Gòn.
Ghi nhận tại các trường THPT tại TPHCM, học sinh không tập trung vào khối ngành kinh tế nhiều như các năm trước mà chú trọng vào nhóm ngành như Sư phạm, Y dược, kỹ thuật… Thầy Trần Hoàng Thịnh, phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung (Củ Chi) cho biết: năm ngoái hồ sơ đăng ký thi kinh tế và ngân hàng áp đảo nhưng năm nay thi ngược lại. Trường nhận được hơn 700 hồ sơ của 345 học sinh lớp 12 nhưng ĐH Kinh tế chỉ có 10 hồ sơ, ĐH Ngân hàng cũng chỉ 7-8 hồ sơ. Ngược lại, năm nay học sinh của trường lại đăng ký thi ngành Sư phạm tăng mạnh. Lượng hồ sơ thi vào ĐH Sài Gòn cao nhất nhưng phần lớn là vào các ngành Sư phạm, kế để là ĐH Sư phạm. Ngoài ra, hồ sơ thi vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng khá nhiều.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Phượng, cán bộ giáo vụ Trường THPT Gia Định (Bình Thạnh), cho biết năm nay hồ sơ đăng ký vào các trường đào tạo các ngành Kinh tế giảm hẳn. Có lẽ do học sinh lo lắng đầu ra khó tìm việc nên cẩn trọng hơn. Thay vào đó học sinh tập trung vào các ngành về Công nghệ sinh học, Y dược. Hơn 2.000 hồ sơ đa phần chọn vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Y Dược, ĐH Quốc tế, ĐH Bách khoa… Điều đáng mừng là nhóm ngành Kỹ thuật cũng được các em chọn nhiều hơn các năm trước. Nếu năm ngoái toàn trường chỉ có khoảng 60 hồ sơ thì năm nay có đến 150 bộ hồ sơ đăng ký vào các ngành Kỹ thuật (kỹ thuật ôtô, máy tính...).
Các trường như THPT chuyên Lê Hồng Phong đăng ký nhiều hồ sơ nhất vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kế đến là Trường ĐH Bách khoa. Trường THPT Lê Quý Đôn với 1.005 hồ sơ đăng ký thì nhiều nhất là vào các trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn… Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, hồ sơ thu được chủ yếu vào ĐH Sư phạm, ĐH Y Dược, ĐH Bách khoa…
Quá ít hồ sơ thi Cao đẳng
Điểm đặc biệt năm nay là hồ sơ vào các trường CĐ rất thấp. Tại điểm thu hồ sơ tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM thì ngoài CĐ Kinh tế đối ngoại, CĐ Hải quan, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng có lượng hồ sơ tương đối, còn lại rất nhiều trường CĐ chỉ nhận được vài bộ hồ sơ.
Trong khi đó, tại điểm thu hồ sơ của Sở GD-ĐT thì lượng thí sinh đăng ký thi vào các trường CĐ khá ít. CĐ kinh tế đối ngoại có nhiều thí sinh đăng ký nhất nhưng cũng chỉ được gần 150 hồ sơ, kế đến là CĐ Tài chính Hải quan được hơn 85 hồ sơ, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng được hơn 80 hồ sơ. Ngoài ra, số trường nhận được dưới 10 hồ sơ cũng khá nhiều như CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm, CĐ Viễn Đông, CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, CĐ Y tế Đồng Nai.
Theo quy định từ hôm nay (12/4) đến 17 giờ ngày 22/4, thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ có tổ chức thi với mã đăng ký dự thi là 99. Ngoài ra, thí sinh có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM ở số 3 Công trường Quốc tế, quận 3 ghi mã 98.
Theo Dân trí
.