Hơn 9.000 học sinh bỏ học trong vòng 5 năm
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, từ năm học 2018-2019 đến hết học kỳ I năm học 2022-2023, toàn tỉnh có gần 9.600 học sinh bỏ học, trong đó cấp THCS và THPT chiếm đa số.
|
|
Các thầy cô giáo đến tận gia đình để vận động các em quay lại trường. |
Cụ thể, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022, cấp THCS có 4.322 học sinh cấp THCS thôi học; cấp THPT có 3.015 học sinh thôi học và cấp Tiểu học 984 em.
Riêng học kỳ I năm 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 1.269 học sinh các cấp bỏ học. Trong đó, cấp THCS 841 em; cấp THPT 315 em và cấp Tiểu học 113 em.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc duy trì sĩ số lớp học tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, vất vả đối với các thầy cô giáo.
Theo ông Phạm Đăng Khoa, có nhiều nguyên dân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Trong đó, tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng dân tộc thiểu số có số lượng dân di cư tự do nhiều, đời sống kinh tế khó khăn nên số lượng học sinh bỏ học nhiều.
Bên cạnh đó, năng lực tiếp thu của 1 bộ phận học sinh hạn chế, học lực thấp dẫn đến dễ chán nản, bỏ học. Mặt khác, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên một bộ phận phụ huynh hàng ngày phải lo việc cơm áo gạo tiền. Vì vậy, ít quan tâm đến tình hình học tập của con.
Cô Bùi Thị Thủy, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, do mãi tập trung làm ăn nên nhiều phụ huynh không có thời gian quan tâm đến con cái. Thậm chí, nhiều khi thầy cô giáo xuống hỏi nhưng có phụ huynh không biết con mình đi đâu. Điều này dẫn đến việc, khi học sinh bỏ học, thầy cô đến vận động các em trở lại trường nhưng không tiếp cận được. Thậm chí, đến mùa thu hoạch cà phê, tiêu… nhiều học sinh ở nhà đi làm thuê để kiếm tiền.
|
|
Việc duy trì sĩ số lớp học tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn. |
Mặt khác, một bộ phận học sinh cấp THCS và THPT đi học nghề hoặc hoàn cảnh khó khăn nên theo gia đình xuống các tỉnh miền Đông Nam bộ (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…) để đi làm thuê.
Hơn thế nữa, do tác động của đại dịch COVID-19, việc dạy và học phải thực hiện qua hình thức trực tuyến, thiếu trang thiết bị để phục vụ học tập và khả năng tự học còn nhiều hạn chế. Do đó, một bộ phận học sinh không theo kịp chương trình của năm học dẫn đến số học sinh bỏ học rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng học sinh bỏ học trong năm 2019-2022 rất lớn.
Ngoài ra, cũng có nhiều học sinh bỏ học để lập gia đình. Đơn cử, như em G.T.D. (trú tại xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) chỉ còn hơn 3 tháng nữa là sẽ tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, em D. vẫn lựa chọn quyết định bỏ học để lấy chồng. Ngay khi biết được ý định bỏ học để lấy chồng của D., các thầy cô trong trường đã đến thuyết phục nhưng nữ sinh này vẫn một mực không thay đổi quan điểm.
Là bố của em D., anh Giàng Seo C. cho biết, gia đình không ép con gái đi lấy chồng và muốn con đi học. Tuy nhiên, giờ có người đến hỏi cưới nên theo phong tục thì gia đình không đồng ý là không tốt.
Giải pháp nào để khắc phục?
Trước tình hình trên, để hạn chế mức thấp nhất tình trạng bỏ học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đồng bộ các giải pháp.
|
|
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Đắk Lắk) nói về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. |
Theo đó, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều chỉ đạo các trường tập trung vận động trẻ trong độ tuổi đi học. Đồng thời, giáo viên, nhà trường chịu trách nhiệm bám sát, phân luồng từng đối tượng học sinh để lên kế hoạch phụ đạo, hướng dẫn ôn tập miễn phí cho các em học lực yếu. Bên cạnh đó, phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để vận động, hỗ trợ sách vở, quần áo, lương thực thực phẩm để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường.
Đối với trường tiểu học vùng sâu, nhà trường cần đẩy mạnh triển khai lớp học bán trú để trẻ được chăm sóc chu đáo, có điều kiện ôn tập kiến thức, kéo giảm tình trạng bỏ học.
Cũng theo ông Phạm Đăng Khoa, nhà trường và các thầy cô giáo cần tăng cường nắm bắt về điều kiện học tập của từng học sinh. Khi có học sinh bỏ học thì nhanh chóng phối hợp với gia đình, các cấp chính quyền địa phương để vận động, động viên các em trở lại lớp học.
Ngoài sự nỗ lực của thầy cô, nhà trường và các cấp chính quyền, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, phụ huynh có vai trò rất lớn trong việc tạo điều kiện, động viên trẻ đến trường.
Nhờ những giải pháp tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua, ông Phạm Đăng Khoa cho hay, trong học kỳ I năm học 2022-2023, số học sinh bỏ học giảm hẳn so với các năm trước.
“Trong thời gian tới, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh sẽ tiếp tục cố gắng để duy trì sĩ số học sinh, nhất là cấp Tiểu học và THCS” – ông Phạm Đăng Khoa thông tin thêm./.