Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Nguyễn Doãn Giáp và chị Lê Thị Hường, trú tại xóm 18 (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), trong buổi chiều mưa tầm tã. Con đường dẫn vào nhà anh chị ngập đầy nước. Ngôi nhà nằm sâu trong cái ngõ hun hút của xóm nghèo. Đã hơn một tuần đau lòng đi qua, sau cái chết thương tâm của cháu Nguyễn Doãn Nhân (2 tuổi) tại hố ga của Trường mầm non xã Nghi Trường. Tiếng gào khóc gọi tên con của người mẹ trẻ khiến không gian tĩnh lặng của làng quê thêm ai oán, xót xa.
 


Khi các cháu lên 2 tuổi, vì không có ai trông giữ nên hai vợ chồng bàn nhau đưa cháu gửi ở trường mầm non xã. Những ngày đầu, các cháu đều thích đi học, đi về hát bi bô cả buổi tối. Ai dè,  mới học được mấy bữa mà thằng cu Nhân bé xíu rứa đã bỏ bố mẹ mà đi” - anh Giáp khóc nức nở.

Sáng ngày 3/9/2013, như thường lệ, sau khi đưa con đến trường, anh Giáp đi phụ hồ, chị Hường buôn bán lặt vặt. Họ không thể ngờ ngày 3/9 đó đã trở thành ngày định mệnh của đứa con bé bỏng.

Nén nước mắt, chị Hường kể lại chuyện đau lòng. Khi đang đi chợ để chuẩn bị nấu cơm trưa cho cả nhà, chị thấy có cô giáo trong trường đến hỏi về hai cháu. Linh cảm có điều gì không hay xảy ra với con, chị lao đi tìm con. “Lúc mọi người có mặt, cháu Tài đang cố gắng bám vào thành hố ga. Còn cháu Nhân thì nằm sấp nổi trên mặt nước. Tôi không dám tin rằng con mình đã chết ở đó”. Lúc đó, tôi hoảng loạn vô cùng, chạy lại đưa Tài lên, ôm chầm lấy Nhân và kêu mọi người đến cứu. Sau đó thì tôi ngất đi và không biết gì nữa”, chị Hường nghẹn ngào nói.

Lời cảnh tỉnh đau lòng

Theo quan sát, hiện trường nơi cháu Nhân tử vong cách lớp học của các cháu khoảng hơn 20m. Điều đáng nói là mặc dù đang thi công, lại nằm trong khuôn viên trường nhưng không hề có rào chắn hay ngăn cách với khu vui chơi, lớp học của các cháu.

Mấy ngày sau khi sự việc đau lòng xảy ra, nỗi buồn, hoảng sợ vẫn bao trùm quanh Trường Mầm non Nghi Trường. Cô Nguyễn Thị Hà (Hiệu trưởng) không cầm được nước mắt cho chúng tôi biết, chỉ vì người lớn bất cẩn mà cháu Nhân phải ra đi. Bây giờ, tất cả giáo viên trong trường đều có chung tâm trạng lo âu, hoảng loạn.

Cô Hà cho biết, lớp học của cháu Nhân có 20 cháu, do 3 giáo viên: Hà Thị Hiền, Nguyễn Thị Minh Lý, Phùng Thị Thoa phụ trách. Thời điểm xảy ra vụ việc, cô giáo đi nhận cơm, quên không đóng cửa nên 2 anh em Nhân, Tài đã rời khỏi lớp và gặp nạn.

Về công trình đang xây, cô Hà cho biết thêm: “Đó là công trình khu nhà ăn bán trú cho các cháu, gồm 2 phòng học, 1 phòng nấu ăn. Chủ đầu tư là UBND xã Nghi Trường, vốn do nhà hảo tâm tài trợ, đơn vị thi công là một công ty xây dựng ở địa phương”.

Cũng theo lời cô Hà, trong hợp đồng, công trình khởi công xây dựng từ tháng 4/2012 và hoàn thành sau 160 ngày và dự kiến đưa vào sử dụng ở năm học tới (tức là năm học 2012 – 2013). Tuy nhiên, do đơn vị thi công chậm trễ nên hiện nay vẫn chưa bàn giao.

Nói về việc công trình không có che chắn để đảm bảo môi trường, cũng như an toàn cho các cháu, cô Hà trần tình: Nhà trường đã nhiều lần nói bằng miệng yêu cầu đơn vị thi công che chắn, xây dựng hàng rào cách biệt với trường nhưng họ chỉ nói đồng ý rồi cứ để đó.

“Sự việc đau lòng của cháu Nhân xảy ra là rất đang tiếc, chúng tôi xin nhận phần trách nhiệm của nhà trường. Hiện nhà trường đang tiến hành làm kiểm điểm các cá nhân liên quan để trình lên lãnh đạo cấp trên, đồng thời phối hợp với chính quyền động viên, an ủi, trấn an tinh thần cho người nhà cháu Nhân”, cô Hà nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyên Đình Thống, Chủ tịch UBND xã Nghi Trường cho biết, công trình đang xây dựng do UBND xã làm chủ đầu tư. Công ty TNHH 36 do ông Đậu Thức Dũng làm Giám đốc, chịu trách nhiệm thi công xây dựng. Theo kế hoạch, công trình phải hoàn thành cách đây một năm nhưng vì nhiều lý do đã chậm tiến độ. Chính quyền xã nhiều lần thúc giục đơn vị thi công hoàn thành các hạng mục để bàn giao nhưng một vài hạng mục đến giờ vẫn còn bỏ dở.

Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) cho hay, cái chết thương tâm của cháu bé bắt nguồn từ sự bất cẩn, thiếu quan tâm, giám sát của người lớn. Rõ ràng môi trường nơi các cháu học tập, vui chơi tiềm ẩn rủi ro bởi công trình sau thi công đã không tuân thủ các quy định an toàn. “Nguy cơ mất an toàn ngay ở chính môi trường sống, vui chơi của trẻ đang là vấn đề đáng báo động. Các bậc phụ huynh và nhà trường cần quan tâm, giám sát, trang bị cho các em những kiến thức cần thiết để biết cách tự bảo vệ mình, không lặp lại câu chuyện đau lòng như trên”, ông Dũng cho biết.
 

Nguyễn Lý