Đề thi mở, bám sát các vấn đề thời sự nóng hổi là cần thiết nhưng không có nghĩa là chạy theo trào lưu, xa rời chuẩn kiến thức, kỹ năng

Vừa qua, nhiều giáo viên và học sinh đã một phen xôn xao với đề thi môn văn học kỳ II của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Quảng Trị) đề cập bộ phim “Hậu duệ mặt trời” hay đề thi môn vật lý của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) cũng lấy phân cảnh trong bộ phim này để làm câu hỏi. Được gọi là đề thi mở nhưng nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đó là những đề thi phản giáo dục.

Phá cách thành… phá phách

Trong đề thi môn vật lý của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ vừa qua, có câu hỏi được dẫn dắt từ một phân cảnh trong bộ phim “Hậu duệ mặt trời”. Cụ thể, đề thi lấy phân cảnh hất điện thoại trong bộ phim để yêu cầu học sinh tính động năng, thế năng, cơ năng của điện thoại ở vị trí ném, tính vận tốc…

 

 Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) trong giờ ôn môn văn Ảnh: TẤN THẠNH
Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) trong giờ ôn môn văn Ảnh: TẤN THẠNH


Trong khi đó, đề thi môn văn của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã trích một đoạn trong bản tin của “Chuyển động 24 giờ” (VTV) khi viết về bộ phim “Hậu duệ mặt trời” để làm câu hỏi: “Với niềm cảm hứng được gợi lên từ bộ phim, hãy viết một đoạn văn với chủ đề nếu tôi là đạo diễn…”.

Giáo viên một trường THPT tại TP HCM nhận xét: “Tôi có cảm giác giáo viên ra đề đang hiểu lệch lạc về cách ra đề thi mở. Cứ có sự kiện gì nóng, “hot” trên mạng là lập tức tìm cách đưa vào đề thi dù rất khiên cưỡng và hiểu lầm đó là đề thi mở, cập nhật vấn đề thời sự”.

Giáo viên này phân tích: Ở 2 đề thi trên, chưa cần phân tích khía cạnh đúng - sai của kiến thức vật lý, văn học nhưng xét đến tầm tư duy, người ra đề đã mắc sai lầm nghiêm trọng về độ khái quát. Không phải học sinh nào cũng xem bộ phim này; bản thân câu hỏi trong đề cũng mơ hồ, xa rời chuẩn đánh giá, kiến thức kỹ năng của học sinh. Vì thế, đề thi từ phá cách trở thành… phá phách.

ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM), cho rằng để ra đề thi mở, trước hết giáo viên cần phải hiểu mở là gì. Mở không phải là chạy loạn theo các vấn đề thời sự mà là ở tư duy, quan điểm, cách nhìn nhận, linh hoạt giải quyết vấn đề, giải quyết tình huống đời sống, hiện thực xã hội. Do đó, phải bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng khi ra đề thi. Có những vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm nhưng chưa chắc đã đúng chuẩn.

Phải có tính giáo dục

ThS Nguyễn Thị Thu Hiền phân tích: “Đề thi cực kỳ quan trọng vì có vai trò phản ánh, đánh giá mức độ sản phẩm đầu ra là năng lực của học sinh. Người ra đề phải hiểu được năng lực học sinh là gì; năng lực kiến thức, kỹ năng là gì, đề thi đã bảo đảm phù hợp chưa. Đề thi cũng đánh giá chất lượng sản phẩm giáo dục của giáo viên, giảng dạy có hiệu quả không”.

Theo ThS Hiền, đề thi môn văn không nhất thiết phải chạy theo một bộ phim, một nhân vật, hiện tượng nào đó vì có thể người này thích phim, người kia thích kịch. Nếu đề thi chỉ phục vụ một trào lưu thì không ổn bởi những xu hướng, trào lưu chỉ phục vụ một nhóm người.

“Chọn chủ đề đưa vào đề thi là khâu quan trọng, đưa ra vấn đề cũng phải mang tính cẩn thận, mang tính thời đại chứ không phải chạy theo xu hướng. Trong khi đó, trong cuộc sống còn rất nhiều vấn đề nhân văn, giáo dục, dù không ồn ào nhưng tính thời sự vẫn nóng sốt” - cô Hiền nhìn nhận.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), cho biết nhiều đề thi đưa các vấn đề thời sự nóng vào nhưng rõ ràng “nóng” chưa chắc sẽ đồng nghĩa với có tính giáo dục. “Những câu hỏi như “Một bộ phim truyền hình lại thu hút sự quan tâm của chính trị gia thì chứng tỏ điều gì” là vô nghĩa. Bởi lẽ, dù đề mở cũng ít nhất phải có đáp án rõ ràng, thể hiện quan điểm cá nhân. Với câu trên thì học sinh trả lời thế nào cũng được. Câu hỏi dù mở cũng phải đề cao tính giáo dục, thẩm mỹ” - thầy Đức Anh bày tỏ.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng mục tiêu của giáo dục là định hướng cho tư tưởng và hành động của xã hội chứ không phải chạy theo “xu hướng thời trang” nhất thời của quần chúng. Điều này đòi hỏi phải có quy trình tập huấn cho giáo viên soạn đề mở để có phương pháp ra đề sáng tạo và chuẩn mực, chứ không phải thấy gì trào lưu là đưa vào. Nếu xu hướng này gây nên hậu quả học sinh có thể đoán được đề thi mở nhờ nắm bắt kịp thời sự, rồi học tủ… là phản giáo dục.

 

Phó mặc nhà trường

Giáo viên một trường THPT tại quận 1, TP HCM cho biết hiện nay, khâu ra đề và kiểm duyệt đề tại các trường đang có vấn đề. Theo đó, bộ, sở giao cho các trường rất qua loa rồi phó mặc mà không theo chuẩn mực nào cả.

Trước mỗi kỳ thi, các tổ chuyên môn ở trường sẽ họp với nhau, thống nhất ra đề nhưng thường là mỗi người một ý nên khi lắp ráp rất khó trọn vẹn. Sau đó, đề thi sẽ chuyển đến hiệu phó phụ trách chuyên môn nhưng không ít hiệu phó lại không có chuyên môn ở môn học đó. Vì thế, điều quan trọng là mỗi trường, mỗi cấp phải có ban kiểm duyệt đề gồm những người có chuyên môn vững vàng.

 

Theo Người lao động

.