(BVPL) - Nhận định trong một tác phẩm về thầy của mình – PGS.TS Ngô Văn Giá, một người học trò đã viết: “Thầy Văn Giá có lúc là trưởng khoa “thét ra lửa”, nhưng có khi lại như một người dẫn đường “loong toong” phục vụ, vừa mẫu mực áo quần bảnh bao nhưng cũng có khi đầu bù tóc rối rất phong tình, nghệ sĩ, lúc lại phủi bụi có khí chất của người làm báo không lẫn vào đâu được. Nhiều lúc tôi không phân biệt được thầy là thầy hay nhà văn hay nhà báo nữa”. Nhưng dù trong vai trò là gì đi nữa thì Văn Giá vẫn rất nhất quán: “ Tôi viết báo để viết văn, viết văn viết báo để dạy học, dạy học để viết văn viết báo”.
Nhân ngày 20/11 tôi đã có một cuộc phỏng vấn thú vị với người sở hữu “ba nhà” này.
|
Thầy văn giá bên những người học trò cưng của mình |
Được biết khi thầy về khoa Viết văn - báo chí – trường Đại học Văn Hóa lúc đó vẫn còn tên khoa sáng tác lý luận phê bình văn học là thời kỳ khủng hoảng và khó khăn nhất, với cương vị là một trưởng khoa thầy đã vực dậy để nơi đây trở thành một tên tuổi, một địa chỉ uy tín trong đào tạo viết văn – báo chí như thế nào?
Đúng như thế, tôi nhận về đây là khoảng thời gian vô cùng khó khăn và vất vả. Nếu như ví sự phát triển của nó như một biểu đồ hình sin thì lúc đó khoa đang ở mức thấp nhất, xuống đáy của biểu đồ ấy. Nếu thời điểm đó không có sự vực dậy, tạo luồng sinh khí mới vực lên thì có thể khoa sẽ khó tồn tại. Bằng tất cả sự kiêu hãnh và lòng tự trọng, cùng với các đồng nghiệp của mình, chúng tôi đã làm được. Khoa viết văn- báo chí lúc đó là khoa sáng tác lý luận phê bình, năm 2011 mới đổi tên, có thể nói đã có một vị trí xứng đáng trong đời sống báo chí và văn học nước nhà.
Thưa thầy, vậy đây đã là thời kỳ rực rỡ,khoa đã phát triển lên đến đỉnh của biểu đồ hình sin hay chưa?
Chắc chắn là trong tương lai khoa sẽ còn phát triển những chặng đường dài với những thành công khác nữa. Cho đến thời điểm này vừa mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga thừa lệnh Bộ trưởng ký quyết định cho phép khoa viết văn báo chí đào tạo chuyên ngành viết văn văn bằng 2. Những người đi học viết văn học 2 năm, bất kể có bằng Đại học nào có thể học 2 năm sau để trở thành cử nhân viết văn. Đúng vào thời điểm này, tôi cũng đang xây dựng chương trình phát triển từ chương trình đào tạo chuyên ngành báo chí thành “ngành báo chí”. Hệ thống Chương trình, giáo trình, đội ngũ giảng viên, cơ ngơi giảng dạy, bằng tốt nghiệp thay đổi, phát triển lên một cấp độ mới thành cử nhân ngành báo chí không phải cử nhân sáng tác văn học chuyên ngành báo chí nữa. Hiện nay số lượng sinh viên có trên 200, 1 lớp viết văn, còn lại là toàn bộ sinh viên báo chí. Tiến tới sẽ làm lại, cải thiện, củng cố từ cơ sở vật chất, chương trình học, cách thức giảng dạy đến các giảng viên của khoa. Liên kết hợp tác một cách sâu rộng, chặt chẽ có hiệu quả với những nơi có truyền thống báo chí như là chúng tôi đã làm nhưng ở quy mô lớn hơn như: Học viện báo chí Tuyên truyền, khoa Phát thanh truyền hình học viện, khoa Báo chí Truyền thông của trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn, Hội Nhà báo Việt Nam và các nhà báo tên tuổi của tất cả các tòa soạn trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục làm, tiếp tục phát triển hơn nữa.
Điều gì là cốt lõi cho sự phát triển của khoa, trở thành kim chỉ nam mang tên Viết văn – báo chí, là cơ sở của niềm tin rằng khoa sẽ còn thành công hơn nữa?
Ở đây, điều chúng tôi làm được là đưa hơi thở của đời sống báo chí hiện đại đến với các sinh viên của mình. Chúng tôi không chỉ giảng dạy mà còn mời được rất nhiều nhà báo tên tuổi trao đổi chuyên môn với các sinh viên. Gắn bó chặt chẽ những người dạy nghiên cứu chuyên môn tại đây và những người thực hành báo chí trong đời sống báo chí đương đại, để có sự tương tác cập nhật. Chỉ những giáo viên chỉ nghiên cứu và dạy thôi thì không cẩn thận sẽ xa với thực tiễn báo chí.
Ví dụ như khi dạy môn Phóng sự, tôi mời Đỗ Doãn Hoàng, khi dạy môn Báo mạng điện tử, chúng tôi mời ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập tờ Việt Nam plus, hay mời Trưởng ban Nghiệp vụ đào tạo báo chí của Hội nhà báo Việt Nam - ông Trần Bá Dung. Và còn nhiều tên tuổi của làng văn, làng báo sẵn sàng đến giao lưu, giúp đỡ chúng tôi. Hay một số nhà báo trưởng thành từ đây cũng trở về để trao đổi với sinh viên. Họ là những nhà báo đã vững về nghề như: Khúc Hồng Thiện nay đã làm ở Báo Nhân dân, Lữ Thị Mai Báo Gia đình xã hội, hay Nguyễn Anh Thế báo dân trí, Thùy Linh ở vtc new, Trần Hoàng Hoàng báo Quân đội nhân dân… Trở về để trao đổi kinh nghiệm, mang hơi thở của báo chí về với sinh viên trong trường.Tôi tự tin rằng phương pháp dạy này, chúng tôi sẽ thành công hơn nữa, đào tạo được đội ngũ phóng viên- báo chí sắc sảo, giỏi nghề, khi ra trường là có thể công tác và hành nghề ngay.
|
"Điều chúng tôi làm được là đưa hơi thở của đời sống báo chí hiện đại đến với các sinh viên của mình". |
Những mối quan hệ này có phải là nhờ vào Văn Giá – trong vai trò là hội viên Hội nhà báo mà có được?Thầy là một người viết văn, làm báo, vậy có khi nào thầy băn khoăn trong lựa chọn giữa trở thành nhà văn, nhà báo hay nhà giáo chưa?
Trong cuộc đời tôi có 3 đam mê: đam mê đầu tiên là dạy học. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi đam mê dạy văn học, ngữ văn. Đến giờ vẫn dạy văn. Đam mê thứ 2 là viết văn, lâu nay tôi là hội viên Hội nhà văn Việt Nam trong tư cách là nhà nghiên cứu phê bình, sáng tác truyện ngắn. Đam mê thứ 3 là viết báo, làm báo. Tôi đang trong tư cách là hội viên Hội nhà báo, tôi viết báo cách đây ba chục năm rồi bây giờ vẫn viết mặc dù không đầu quân cho một tòa soạn nào cụ thể, nhưng tôi viết khá nhiều và được nhiều anh em trong giới báo chí biết đến. Hiện nay tôi vừa nhà giáo, nhà văn và nhà báo. Đây không phải là danh xưng tự đặt mà tôi đã có thẻ hành nghề và là hội viên Hội nhà báo, hội viên Hội nhà văn. Hiện tôi đang tiếp tục nghiên cứu phê bình văn học, sáng tác và làm báo ngoài công việc giảng dạy. Tuy nhiên, con người tôi rất nhất quán từ trước cho tới nay vẫn vậy, tôi viết văn để viết báo, viết báo để viết văn, viết văn viết báo để dạy học, dạy học để viết văn viết báo. Bây giờ bảo tôi đổi tôi cũng không đổi nghề.
Vậy khó khăn lớn nhất trong cuộc đời làm thầy của thầy là gì? Điều gì giúp thầy trải qua những khó khăn ấy?
Về mặt nghề nghiệp tôi không gặp một trở ngại nào mà khó khăn lớn nhất là khó khăn với chính mình. Những năm tháng gieo neo đói khổ vì đam mê văn chương báo chí quá chẳng có kiếm được tiền, còn vợ còn con, gieo neo lắm. Cũng có một thời tôi chán định bỏ bút, bẻ bút thế nhưng rồi đam mê vẫn lớn hơn, đói bằng mấy có khi cũng vẫn viết, khổ bằng mấy vẫn viết.
Bằng những đam mê, nỗ lực của mình cho tới thời điểm này, đâu là thành công lớn nhất của Văn Giá – một Trưởng khoa “thét ra lửa”, nhưng có khi lại như một người dẫn đường “loong toong” phục vụ?
Tôi không biết. Cái này tôi không biết. Nếu mà nói rằng tôi có 1 điều quan trọng thì đó là đời sống của tôi. Tôi không muốn sống tẻ nhạt, lờ đờ, tôi làm gì cũng hết lòng, tận tụy cống hiến hết mình, làm cho mình và cho mọi người, cho khoa. Đã không làm thì thôi nhưng nếu làm thì làm hết mình, tận tụy, say mê bằng tất cả con người mình, thậm chí bằng cả những cái hay và cả cái dở. Nhưng do tôi thành tâm cho nên được nhiều người giúp. Cả giới báo chí và văn học Việt Nam giúp tôi. Tôi ngẫm cứ trung thực lương thiện, chân thành thì chắc chắn sẽ thành công.
Rất cám ơn thầy Văn Giá đã dành thời gian quý báu trong những ngày bận rộn như thế này!
Minh Châu