Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Bức xúc vì thí sinh trượt quá nhiều?
Cập nhật lúc 12:29, Thứ ba, 18/08/2015 (GMT+7)
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đã đến gần cuối chặng đường. Vì sao vẫn có cảm giác thấy sự bức xúc của xã hội? Mặc dù đã có nhiều lời giải thích, phân tích từ các vị lãnh đạo của Bộ GD-ĐT, nhưng dường như xã hội vẫn chưa thỏa mãn. (kỳ thi, thí sinh, xét tuyển)
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đã đến gần cuối chặng đường. Vì sao vẫn có cảm giác thấy sự bức xúc của xã hội? Mặc dù đã có nhiều lời giải thích, phân tích từ các vị lãnh đạo của Bộ GD-ĐT, nhưng dường như xã hội vẫn chưa thỏa mãn.
Trước tiên xin nói về 1 thực tế đã xảy ra trong kỳ thi vừa qua của khâu xét tuyển, là chuyện các thí sinh phải trực tiếp nộp hồ sơ, đăng ký nguyện vọng và rút hồ sơ, đăng ký tiếp, ... Điều này đã thực sự gây ra nhiều khó khăn cho thí sinh. Nhưng giả sử nếu như các thí sinh được đăng ký Online toàn bộ qua mạng, thì tôi khẳng định các bức xúc vẫn sẽ còn nguyên.
Vậy thực sự các lõi của bức xúc nằm ở đâu?
Câu trả lời rất đơn giản: tổng số thí sinh dự thi cả nước khoảng 1 triệu. Tất cả các trường ĐH của Việt Nam chỉ nhận vào 300-400 nghìn. Do vậy số thí sinh trượt sẽ là 600-700 nghìn. Đây chính là điều cốt lõi của sự căng thẳng gây bức xúc của việc tuyển sinh đại học. Thi kiểu gì thì vẫn có từng đó thí sinh trượt. Điều mà nhiều người hiểu nhầm rằng năm nay cải tiến kỳ thi thì sẽ đỗ ĐH nhiều hơn, hy vọng nhiều hơn, nộp hồ sơ phức tạp hơn, rồi cuối cùng vẫn trượt. Đáng lẽ Bộ GD-ĐT phải cảnh báo ngay từ đầu điều này trước.
Vậy kỳ thi năm nay có những điểm gì mới so với các năm trước trong việc tuyển sinh vào đại học. Có 2 điều khác biệt chính sau: HS thi trước, biết điểm trước và đăng ký tuyển sinh vào ĐH sau. Điều này là rất khác biệt và tiến bộ hơn hẳn các kỳ thi trước đây. HS biết điểm rồi mới tìm kiếm trường, ngành phù hợp với điểm thi của mình. tinh thần mới này là phù hợp với quốc tế.
Mỗi HS sau khi biết điểm sẽ được đăng ký tùy ý vào bất kỳ trường nào mình mong muốn. Mỗi HS được phép đăng ký vào 4 ngành trong 1 trường. Thực ra con số này chưa phải là lý tưởng, tuy nhiên cũng đã tiến bộ hơn rất nhiều so với các năm trước.
Năm nay là năm đầu tiên, do vậy sự lúng túng của cả từ phía HS và các cơ quan quản lý là tất nhiên. Hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đa dạng từ phía HS, các trường để chuẩn bị cho kỳ thi sang năm tốt hơn.
Theo tôi, về tổng thể, kỳ thi THPT quốc gia năm nay là 1 tiến bộ lớn và đang đi đúng hướng. Còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước. Một trong những việc quan trọng nhất là hãy cho phép các trường ĐH tự chủ nhiều hơn nữa, cho phép các trường ĐH mở rộng cửa hơn nữa để đón nhận sinh viên đầu vào.
Chính việc mở rộng đầu vào của trường ĐH, hệ thống các trường CĐ và dạy nghề sẽ là cách giải quyết tốt nhất cho những bức xúc xã hội như hiện nay.
Theo VietQ
.