Không thể tăng vô tội vạ học phí
Cập nhật lúc 16:06, Thứ bảy, 17/10/2015 (GMT+7)
Trước những lo lắng về khả năng học phí ĐH sẽ tăng mạnh ở các trường ĐH công lập đã tự chủ tài chính sau khi Chính phủ ban hành nghị định 86/NĐ-CP/2015 về chính sách học phí mới, đại điện một số trường khẳng định: Không thể tăng học phí vô tội vạ! (tăng học phí, Nghị định 86, sinh viên, chất lượng đào tạo, đại học)
Trước những lo lắng về khả năng học phí ĐH sẽ tăng mạnh ở các trường ĐH công lập đã tự chủ tài chính sau khi Chính phủ ban hành nghị định 86/NĐ-CP/2015 về chính sách học phí mới, đại điện một số trường khẳng định: Không thể tăng học phí vô tội vạ!
Đơn cử, ĐH Ngoại thương Hà Nội đã có kế hoạch thu học phí với mức tối đa (của chương trình đại trà, trình độ ĐH, chính quy) năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm; năm 2016-2017 là 16 triệu đồng/sinh viên/năm. Mức trần học phí đối với đào tạo trình độ tiến sĩ bằng 2,5 lần, thạc sĩ bằng 1,5 lần, CĐ bằng 0,8 lần mức học phí tối đa nêu trên.
Còn ĐH Kinh tế quốc dân hiện đào tạo đa dạng các ngành học từ cử nhân tới sau ĐH, từ đào tạo trong nước tới liên kết đào tạo quốc tế với mức học phí trung bình là 11 triệu đồng/năm.. Tuy nhiên, mức học phí giữa các ngành đào tạo có sự chênh lệch khá rõ rệt. Nếu những ngành đào tạo cử nhân thông thường mức học phí chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng, thì các ngành liên kết đào tạo quốc tế con số này phải lên tới vài triệu đồng/tháng.
Đại diện của ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép tự chủ về tài chính, trường đã xây dựng kế hoạch cũng như các chương trình đầu tư của mình.
Không chỉ trông chờ vào nguồn thu duy nhất là học phí, ĐH Kinh tế quốc dân cũng kêu gọi tài trợ, đầu tư từ các nhà tài trợ. Ngay trong lễ khai giảng năm học 2015-2016, nhà trường đã kêu gọi được gần chục tỉ đồng của các nhà tài trợ học bổng cho sinh viên, trong đó có 3 suất học bổng trị giá 50 triệu đồng/năm.
Là Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Huế (không nằm trong danh sách trường tự chủ tài chính) nhưng PGS.TS Nguyễn Thám cho rằng đã đến lúc tăng học phí.
“Tăng học phí thì mới đảm bảo đủ điều kiện để đào tạo cho sinh viên và thầy cô. Từ cơ sở vật chất, trường lớp tới đội ngũ giảng viên. Chúng ta cần sớm loại bỏ kiểu học lý thuyết suông, giáo trình cũ kỹ lạc hậu. Hàng trăm con người toát mồ hôi chen chúc trong một giảng đường”, ông Thám nói.
Chưa kể đến những loại hình đào tạo đặc thù như ngành y, dược, yêu cầu về thực hành là rất cao. Hiện nay, tất cả các trường ĐH y, dược vẫn phải liên kết với các bệnh viện để sinh viên có điều kiện đi thực tập.
Tuy nhiên, chỉ các bệnh viện lớn mới có thiết bị hiện đại nhưng tất cả các bệnh viện này đều quá tải, máy móc thiết bị cũng kín lịch từ đầu tới cuối tuần. Còn những trường liên kết đào tạo quốc tế, yêu cầu mời giáo sư nước ngoài giảng dạy, hoặc cho sinh viên đi học dự thính, trao đổi quốc tế là điều bắt buộc. Vì thế, học phí những chuyên ngành đào tạo này không thể "ngon-bổ-rẻ".
Trước nhiều ý kiến quan ngại tăng học phí không đi đôi với tăng chất lượng đào tạo; việc tăng học phí có tạo điều kiện cho các trường lạm thu... đại diện của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng ĐH là cấp học đặc biệt, sinh viên tự chủ mọi quyết định của mình. Việc chọn trường, rồi có tiếp tục theo học nữa hay không hoàn toàn do các em quyết định.
Tại nhiều hội thảo, có không ít người vẫn phàn nàn sinh viên của chúng ta là “hàng gia công giá rẻ”. Dù có thể là khập khiễng khi chúng ta so sánh chi phí đào tạo một sinh viên trung bình ở nước ngoài là hàng ngàn USD/tháng trong khi ở Việt Nam chỉ vài chục USD, nhưng vẫn có thể thấy tăng học phí là điều cần thiết. Song bản thân các trường ĐH đã tự chủ tài chính cũng phải tính toán tới việc đảm bảo sự sống còn của nhà trường.
Nếu tăng học phí vô tội vạ, chất lượng đào tạo không tương xứng với học phí, thì chỉ ngay trong kỳ tuyển sinh tới thôi, sẽ rất ít sinh viên chọn những chuyên ngành, những trường học phí cao, nhưng chất lượng không cao tương xứng.
Theo chinhphu.vn
.