Không quy tròn điểm thi THPT quốc gia
Cập nhật lúc 16:54, Thứ sáu, 24/07/2015 (GMT+7)
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bài thi THPT quốc gia năm nay được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm. (không quy tròn, điểm thi THPT, điểm chuẩn, Bộ GD-ĐT)
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bài thi THPT quốc gia năm nay được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm.
Cụ thể, đối với môn thi tự luận, Bộ GD-ĐT quy định, chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GDĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.
Bài thi trắc nghiệm, tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm. Do đó tổng số điểm của mỗi bài không cần phải làm tròn.
Từ 2014 trở về trước tổng số điểm của 3 môn được làm tròn đến mức 0,5 điểm, và điểm chuẩn cũng được tính theo bước cách nhau 0,5 điểm.Năm nay, để giảm số lượng thí sinh trùng điểm gây khó khăn cho việc xác định điểm chuẩn, nên các trường sẽ không làm tròn tổng số điểm của 3 môn nữa và điểm chuẩn được tính theo bước cách nhau 0,25 điểm.
Đạt 5 điểm thi trở lên được bảo lưu
Bộ GD-ĐT quy định, thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các môn đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không có điểm bảo lưu.
Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định việc có sử dụng hay không sử dụng điểm bảo lưu trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Tỉnh táo trong việc nộp hồ sơ
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm nay với quy chế mới, thí sinh có rất nhiều thuận lợi, tránh được nhiều rủi ro. Mọi năm, các em nộp đơn thi vào trường, chưa biết có bao nhiêu bạn cũng vào trường có điểm cao hơn mình.
Nhưng năm nay, vì biết kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển nên các em sẽ nộp vào những trường vừa sức với mình để có khả năng trúng tuyển cao hơn.
Trong quá trình xét tuyển đợt 1, thí sinh cần theo dõi thông tin thống kê của các trường. Nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, các em có quyền rút hồ sơ nộp sang trường khác, hoàn toàn chủ động.
Tuy nhiên, thí sinh cần có sự phân tích, lựa chọn phù hợp với kết quả thi của mình, đừng lựa chọn trường cao quá để phải rút hồ sơ, ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian bởi chỉ có 20 xét tuyển đợt đầu tiên. Nếu rút hồ sơ nhiều lần sẽ không còn thời gian để nộp vào trường phù hợp.
Bởi vậy, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ. Tuy rằng việc chọn ngành trong trường trước khi nộp hồ sơ thí sinh đã được tư vấn, tuy nhiên sau khi có kết quả thi, cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với kết quả thực tế của mình.
Theo thứ trưởng Ga, với phổ điểm mà Bộ GD&ĐT công bố, các em sẽ biết có bao nhiêu thí sinh trên điểm của mình, để phán đoán được nên nộp vào trường nào.
Mặt khác, trong quá trình xét tuyển, cứ 3 ngày một lần các trường sẽ công bố số lượng thí sinh nộp vào trường cũng như điểm, qua theo dõi các em biết được mình có trúng tuyển hay không.
Nếu thấy nhiều bạn điểm cao hơn mình, vượt chỉ tiêu rồi thì nên rút hồ sơ nộp trường khác. Đó là những thông tin các em cần biết để phán đoán và lựa chọn.
Theo Dân trí
.