So với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT (Thông tư 17), Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 có nhiều điểm mới đáng chú ý, quy định chặt chẽ hơn về hoạt động dạy thêm, học thêm, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo Thông tư 29, các trường học và giáo viên không được tổ chức dạy thêm các môn học thuộc chương trình chính khóa đối với học sinh tiểu học, ngoại trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Đối với bậc trung học cơ sở trở lên, việc dạy thêm chỉ được tổ chức đối với ba nhóm đối tượng học sinh và không được thu tiền.

Cụ thể, chỉ các học sinh thuộc một trong ba nhóm sau mới được tham gia học thêm: học sinh có kết quả học tập chưa đạt trong học kỳ liền kề; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

leftcenterrightdel
 Một giờ học chính khóa của học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Ảnh: Báo Đại đoàn kết.

Khi tổ chức dạy thêm, nhà trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể, bảo đảm mỗi lớp học thêm không quá 45 học sinh, không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu chính khóa và không dạy thêm trước các nội dung trong chương trình chính khóa. Mỗi môn học chỉ được tổ chức tối đa 2 tiết/tuần.

Thông tư 29 cũng quy định rõ, giáo viên đang giảng dạy tại trường không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh do mình phụ trách theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Bên cạnh đó, giáo viên thuộc các trường công lập không được quản lý, điều hành cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở này nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Thông tư 29 cũng đưa ra yêu cầu đối với các cơ sở dạy thêm có thu phí, bao gồm đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, công khai thông tin về môn học, thời lượng, địa điểm, danh sách giáo viên, mức học phí trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại cơ sở. Giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp và phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian giảng dạy.

So với Thông tư 17, Thông tư 29 có một số thay đổi quan trọng: không cấm hoàn toàn việc dạy thêm trong nhà trường nhưng nhà trường không được thu tiền học sinh, chỉ tổ chức dạy thêm cho ba nhóm đối tượng học sinh theo quy định.

Nếu trước đây, học sinh chỉ cần có nguyện vọng là được đăng ký học thêm thì theo quy định mới, chỉ học sinh đủ điều kiện mới được tham gia. Ngoài ra, giáo viên muốn dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền phải đăng ký kinh doanh và đóng thuế theo quy định, đồng thời không được đứng tên giấy phép kinh doanh cơ sở dạy thêm nếu đang công tác tại các trường công lập.

Với những quy định mới này, Thông tư 29 được kỳ vọng sẽ siết chặt quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, hạn chế tình trạng lạm thu, bảo đảm quyền lợi của học sinh, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho giáo viên và các cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai hoạt động dạy thêm, học thêm.

 Điều 16 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT: Xử lí vi phạm

Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lí theo quy định của pháp luật.

Xuân Nha