Công bố mới nhất của Bộ GD-ĐT trên 50 tỉnh thành có hơn 16.000 nhóm lớp trẻ mầm non tư thục đang hoạt động với số trẻ dưới 36 tháng tuổi chiếm tới 31% so với tổng số trẻ đến trường. Hoạt động nhỏ lẻ, tự phát, chưa được cấp phép là tình trạng của 1/3 số nhóm lớp này đem đến nguy cơ mất an toàn với trẻ nhỏ.
 
 
Rất khó đóng cửa cơ sở không phép
 
Mặc dù các bậc phụ huynh rất lo ngại trước hàng loạt vụ việc bạo hành, mất an toàn đối với trẻ gửi ở các nhóm lớp tư thục, nhưng việc siết chặt quản lý các nhóm lớp này vẫn đang là bài toán khó với các cấp quản lý. Với những nhóm lớp chưa được cấp phép, việc đóng cửa cũng không hề dễ dàng. Bà Ngô Thị Minh đặt vấn đề nếu giải thể tất cả các cơ sở này thì trẻ dưới 36 tháng tuổi sẽ gửi đi đâu, quyền lợi của trẻ, của người lao động giải quyết như thế nào?
 
Bà Nguyễn Thị Vân Hà cũng cho biết, mặc dù nhiều nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn chưa được cấp phép nhưng cũng không thể đóng cửa hàng loạt vì các cơ sở này tồn tại là do nhu cầu cấp thiết của người lao động. “Bố mẹ các cháu phần lớn là công nhân, người lao động làm ca kíp, thường xuyên xa nhà, ít có điều kiện đưa đón, trông nom con cái, giờ giấc đưa đón không ổn định. Chỉ những cơ sở này mới có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng như vậy” – bà Nguyễn Thị Vân Hà khẳng định. 
 
Bà Ngô Thị Minh cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có đề án riêng đầu tư cho công tác chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi bao gồm cả khối công lập và tư thục. “Xét về quyền lợi của trẻ, trẻ học công lập được đầu tư ngân sách 3,4 triệu đồng/cháu/năm như Hà Nội triển khai trong khi trẻ học ngoài công lập không được hưởng gì là không công bằng. Cần đề xuất hỗ trợ cho trẻ học ngoài công lập, góp phần đầu tư cho các cơ sở mầm non ngoài công lập”. Được biết Hà Nội tới đây sẽ trình đề án chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi, trong đó sẽ đề xuất hỗ trợ về quỹ đất, thuế, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cải tiến chế độ, chính sách cho giáo viên để tăng cường vai trò của các cơ sở mầm non ngoài công lập.
 
Theo ANTĐ
.