“Điều khủng khiếp nhất là hình ảnh tôi xông vào cướp bia đã bị con tôi nhìn thấy”, một bà mẹ tham gia “hôi bia” ân hận chia sẻ. Hình ảnh bà mẹ, ông bố và rất nhiều người khác tham gia "hôi của" là một bài học trong vấn đề giáo dục con cái.

 


Thế nhưng, hình ảnh xấu xí của người Việt một lần nữa xuất hiện qua chuyện "cướp bia". Và truyền thông nhanh chóng loan đi hình ảnh hỗn tạp ấy. Đáng buồn là hình ảnh bà mẹ, ông bố và rất nhiều người khác tham gia "hôi của" đã để con cái họ chứng kiến, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông.

Nhiều người cho rằng, “hôi của” giờ đây không còn là chuyện lạ. Nó vẫn diễn ra thường xuyên ở xứ ta bên cạnh chuyện vượt đèn đỏ, vứt rác bừa bãi hay không xếp hàng nơi công cộng,…Những gì vừa xảy ra cho thấy con người hành động chỉ vì thói quen, vì quán tính của cái xấu.

Một bạn có nickname Thanh Hong Truong chia sẻ: Nói gì thì nói đây là quy luật "bầy đàn". Chẳng biết mình có trong quy luật đó không dù rằng không ham gì thứ đó. Nói chung cái lợi trước mắt thì họ sẽ lấy, không nghĩ cho người chở hàng phải đền bù thiệt hại ra sao. Nhưng chắc có lẽ nhiều người ở đó về nhà sau khi nghĩ sẽ day dứt”.

Có thể chỉ ra cụ thể ai là người chịu trách nhiệm về một lĩnh vực, một ngành kinh tế nghèo nàn, giáo dục, y tế lạc hậu, hạ tầng giao thông yếu kém.

Nhưng thật khó để chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm về một nền đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp trầm trọng hiện nay. Lên án cái xấu là cần thiết, nhưng cũng phải nói cho rõ "cái xấu chỉ ở một số ít người", trước những thông tin và hình ảnh hỗn tạp lan truyền, một bạn có nickname Trueman chia sẻ: “Hết xếp hàng chen nhau để được ăn miễn phí. Nay lại đến đua nhau hôi của khi xe bia gặp nạn. Tất cả đều được truyền nhau rộng khắp trên facebook theo kiểu "chỉ có Việt Nam mới vậy". Thiết nghĩ. Nếu ai không phải là người Việt Nam để hiểu được tình trạng này chỉ là số ít. Mà họ là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam xa xứ lâu năm, thì những hình ảnh này ít nhiều sẽ khiến họ khinh thường lắm lắm khi gặp bất cứ người Việt Nam nào.

Lên án cái xấu là cần thiết. Nhưng cũng phải nói cho rõ "cái xấu chỉ ở một số ít người", chứ cứ cái đà chửi cho đã này, mai mốt vác mặt đi đâu thì cũng sẽ rất dễ bị người khác nhìn bằng con mắt chẳng ra gì”.

Dân ta có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái đã thành bản sắc trong hàng nghìn năm qua. Điều đó được minh chứng mỗi mùa bão lụt đi qua, người dân vùng bị nạn luôn nhận được sự cứu trợ kịp thời của người dân cả nước,…

Những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp đấy sao không tiếp tục phát huy trong những trường hợp gặp người bị nạn trên đường thì cứu giúp, gặp người đang rơi tài sản mọi người cùng nhặt trả lại thì giá trị văn hóa ứng xử của người Việt sẽ cao đẹp biết bao.
 

Theo Đất Việt

.