Giáo viên vẫn hưởng lương theo thỏa thuận
Trao đổi với Báo Bảo vệ pháp luật về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, dưới góc độ pháp lý, Điều 98 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về tiền lương trong thời gian ngừng việc. Cụ thể, người lao động sẽ được trả lương như sau: Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động được trả đủ tiền lương, còn nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; Những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Ngoài ra, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác (thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế) thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
|
|
GV vẫn được hưởng lương theo thỏa thuận. Ảnh minh họa TTXVN |
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, có thể hiểu thời gian GV nghỉ do dịch bệnh là theo chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ GD&ĐT và vì nguyên nhân khách quan là dịch bệnh, do đó căn cứ vào khoản 3 Điều 98 Bộ Luật Lao động 2012 thì GV vẫn được hưởng lương theo thỏa thuận, mà thỏa thuận ở đây chính là hợp đồng lao động.
Đồng thời mức lương này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Ngoài ra, GV vẫn được hưởng các loại phụ cấp theo quy định tại Luật viên chức, Luật giáo dục.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc GV nghỉ dạy học trong đợt dịch nCov vẫn được hưởng lương là ưu ái đối với ngành nghề. Theo Luật sư Đặng Văn Cường, dưới góc độ xã hội, GV là một nghề nghiệp đặc thù khi ngoài việc được nghỉ các ngày lễ, Tết theo quy định pháp luật giống các ngành nghề khác thì trong một số trường hợp, GV được nghỉ mà vẫn được hưởng lương như nghỉ hè (theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và được sửa đổi tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT) hoặc được nghỉ theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền do những nguyên nhân khách quan như dịch bệnh nêu trên.
Đối với GV, ngoài những giờ làm việc tại trường học thì khi về nhà, họ vẫn phải soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng, tự nâng cao kiến thức để đảm bảo quá trình giảng dạy hiệu quả, nâng cao chất lượng cho HS. Mặc dù thời gian làm việc thực tế của GV tại nơi làm việc có thể ít hơn nhiều so với ngành nghề khác nhưng xét về thực tiễn, GV vẫn phải làm việc ngoài giờ mà không được hưởng lương. Hơn nữa, so với ngành nghề khác, mức lương đối với nghề giáo hiện nay là không cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Điều đặc biệt, GV tại một số trường vẫn phải làm một số công việc như tham gia dọn vệ sinh trường lớp, trực trường và hoạt động chuyên môn.
|
|
Học sinh, giáo viên trường THCS TP Bến Tre đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: Hoàng Nam. |
100% giáo viên đến trường
Mặc dù HS được tạm nghỉ học nhưng nhiều trường yêu cầu cán bộ, GV, nhân viên đến trường làm việc theo quy định. Tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Trước diễn biến phức tạp của nCoV, HS được nghỉ học đến hết ngày 16/2/2020, tuy nhiên, nhà trường vẫn yêu cầu GV đến trường. Lúc này, GV sẽ sinh hoạt chuyên môn; Dạy học trực tuyến, hướng dẫn HS tự học; Phun thuốc để khử khuẩn các lớp học và toàn bộ khuôn viên trường…
Nhà trường đã tổ chức dạy học trực tuyến cho HS thông qua ứng dụng Skype và thường xuyên nhắc nhở việc tự học, báo cáo đọc sách ở nhà trên nhóm Zalo của lớp. Ngoài ra, phụ huynh tiếp tục cập nhật trên ứng dụng Class Dojo để theo dõi điểm thưởng của con hàng ngày.
“GV đến trường soạn giáo án, trao đổi chuyên môn thì dọn vệ sinh trường, lớp là việc không thể thiếu, để duy trì môi trường, đón HS trở lại học” - bà Ngọc nói.
|
|
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp |
Lý giải việc Bộ GD&ĐT xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho phép HS nghỉ học đến hết 16/2, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus corona của Bộ GD&ĐTcho biết, vì đây không phải là nghỉ học bình thường mà nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nên thực hiện theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Việc Chủ tịch UBND các tỉnh, TP quyết định cho phép HS nghỉ học là phù hợp với Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định số 127 của Chính phủ trong phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục và đã được cụ thể hóa tại Điều 4 của Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017 - 2018.