10 năm kể từ ngày chính thức thành lập và 68 năm từ cội nguồn, hành trình ấy không chỉ được đo bằng số lượng sinh viên tốt nghiệp hay những hội trường đầy ắp tri thức mà còn bằng niềm tin lặng thầm của biết bao thế hệ giảng viên, sinh viên đã chọn gắn bó với một lý tưởng: gieo chữ – giữ luật – dựng người.

Từ Viện Đại học Huế năm 1957 đến mái trường Luật hôm nay

Có lẽ, hiếm có ngôi trường đại học nào ở miền Trung lại gắn bó sâu đậm với những biến động của lịch sử đất nước như trường Đại học Luật, Đại học Huế. Ít ai biết rằng, tiền thân của ngôi trường này là Luật khoa thuộc Viện Đại học Huế – một trong những đơn vị đào tạo Luật học đầu tiên ở miền Trung từ năm 1957.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh khuôn viên trường Đại học Luật, Đại học Huế.

Từ một Luật khoa bị gián đoạn sau năm 1975, rồi âm thầm tái lập dưới cái tên “Bộ môn Pháp lý” năm 1990, tiếp tục được nâng cấp thành “Khoa Luật” năm 2000, và đến ngày 03/3/2015, chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập trường Đại học Luật, trực thuộc Đại học Huế – đó là một hành trình bền bỉ gần 70 năm, không ngừng vươn mình từ trong gian khó.

Một hành trình mà như lời của một cựu sinh viên khoá đầu tiên, "trường Luật Huế không chỉ đào tạo luật – mà còn dạy chúng tôi làm người tử tế, có trách nhiệm, biết gánh vác và gìn giữ công lý".

leftcenterrightdel
 Lễ công bố Quyết định thành lập Khoa Luật - Đại học Huế.

Mười năm một chặng đường: Vững vàng giữa thách thức và khẳng định bản sắc

Từ cột mốc 2015, trường Đại học Luật, Đại học Huế đã bước vào giai đoạn phát triển mới, độc lập về mô hình quản trị, từng bước khẳng định vị thế một trường đại học chuyên ngành luật có uy tín khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Từ 71 giảng viên cơ hữu ban đầu, đến tháng 9/2024, trường đã có 171 giảng viên, trong đó có 5 phó giáo sư, 39 tiến sĩ – một lực lượng học thuật đáng nể cho một ngôi trường chưa đầy thập kỷ tuổi đời. Sự lớn mạnh đó không chỉ là con số, mà được đo, đếm bằng số lượng hơn 7000 cử nhân luật, 1693 thạc sĩ và 4 tiến sĩ tốt nghiệp; bằng những khóa đào tạo cho hàng trăm sinh viên Lào, những chương trình đặt hàng của các địa phương từ Quảng Bình đến Gia Lai – nơi pháp luật cần được phổ cập và trao truyền.

leftcenterrightdel
 Tính đến tháng 9/2024, trường Đại học Luật, Đại học Huế đã có hơn 7000 cử nhân luật, 1693 thạc sĩ và 4 tiến sĩ tốt nghiệp.

Đặc biệt, từ năm 2022, trường đã tiên phong xây dựng 2 chương trình đào tạo song ngữ Việt – Anh cho ngành Luật và Luật Kinh tế – một bước tiến mạnh mẽ để hội nhập quốc tế.

Điều tạo nên một trường luật không chỉ là sách, là điều luật, là giảng đường. Đó là cách mà ngôi trường ấy mang pháp luật đến gần hơn với cộng đồng. Trong suốt 10 năm qua, trường đã tổ chức gần 200 chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật: từ phiên tòa giả định tại trại giam, đến những buổi tư vấn pháp lý miễn phí cho đồng bào vùng cao, học sinh, sinh viên yếu thế.

Dấu ấn “Quán cơm 5000 đồng” – do ATM gạo Huế và trường Đại học Luật sáng lập, trở thành điểm sáng thiện nguyện trong mùa dịch – không chỉ là một bữa cơm, mà là biểu tượng cho một triết lý giáo dục nhân văn "Luật pháp phải gắn với con người, với cuộc sống".

leftcenterrightdel
 Trong suốt 10 năm qua, trường đã tổ chức gần 200 chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, phiên tòa giả định tại trại giam, đến những buổi tư vấn pháp lý miễn phí cho đồng bào vùng cao, học sinh, sinh viên yếu thế.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về đào tạo luật, trường Đại học Luật, Đại học Huế chọn con đường kiểm định chất lượng làm nền tảng phát triển. Năm 2018, Trường đạt chứng nhận chất lượng giáo dục chu kỳ 1. Đến cuối năm 2023, tiếp tục đạt chuẩn chu kỳ 2. Tất cả chương trình đào tạo đại học đều được đánh giá ngoài theo Thông tư 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2024, ngành Luật của Trường được Times Higher Education (THE) xếp hạng trong nhóm 601+ ngành Khoa học xã hội – kinh tế. Với một ngôi trường chưa đầy 10 năm tuổi, điều đó là kỳ tích.

leftcenterrightdel
 Trường đã tổ chức 5 hội thảo quốc tế, đón tiếp 17 đoàn chuyên gia từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Estonia… và cử 20 giảng viên ra nước ngoài đào tạo, 5 người hoàn thành tiến sĩ, 7 người đang theo học thạc sĩ.

Trường Luật – nơi rèn giảng viên, nuôi nhà khoa học trẻ

Trong 10 năm, trường đã thực hiện 309 đề tài khoa học các cấp, công bố 1.231 bài báo, trong đó 50 bài thuộc Wos/Scopus. Trường đã xuất bản 104 cuốn sách, xây dựng tạp chí khoa học có điểm (0.5) – Hue Journal of Law and Practice, và có ảnh hưởng rộng tại miền Trung – Tây Nguyên.

Không chỉ giảng viên, sinh viên trường cũng ghi dấu ấn qua các cuộc thi lớn: giải Nhì toàn quốc cuộc thi “Trọng tài thương mại giả định 2023”, Huy chương vàng Hòa giải thương mại, giải Nhì khởi nghiệp SV-Startup lần VI… Nhiều bạn trẻ được truyền cảm hứng để theo đuổi nghề luật từ những sân chơi ấy – nơi pháp luật trở thành trải nghiệm sống, chứ không chỉ là lý thuyết trên bục giảng.

leftcenterrightdel
 Sinh viên trường cũng ghi dấu ấn qua các cuộc thi lớn: Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về động vật hoang dã, giải Nhì toàn quốc cuộc thi “Trọng tài thương mại giả định 2023”,...

Từ 2015 đến nay, trường đã tổ chức 5 hội thảo quốc tế, đón tiếp 17 đoàn chuyên gia từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Estonia… và cử 20 giảng viên ra nước ngoài đào tạo, 5 người hoàn thành tiến sĩ, 7 người đang theo học thạc sĩ.

Không gian tri thức được mở rộng không biên giới, đem đến làn gió mới trong nội dung đào tạo, phong cách giảng dạy và tinh thần hội nhập cho sinh viên. Năm 2024, trường chính thức giữ vai trò Chủ tịch Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam nhiệm kỳ 2024–2026. Đó không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm dẫn dắt, lan tỏa chất lượng đào tạo luật trên cả nước.

Giữa lòng TP Huế cổ kính, khuôn viên trường Đại học Luật là một điểm nhấn hiện đại. Từ giảng đường D, E, đến thư viện thông minh, hội trường gần 1000 chỗ, phòng diễn án, sân bóng, sân vườn – tất cả được đầu tư hài hòa giữa tiện nghi học thuật và không gian sinh thái. Những công trình ấy không chỉ là chỗ học, mà là nơi sinh viên cảm thấy được tôn trọng, được truyền cảm hứng học tập và nghiên cứu.

Huân chương Lao động hạng Ba – thành quả và khởi đầu mới

Khi những chùm phượng đầu tiên đỏ rực sân trường, cũng là lúc trường Đại học Luật, Đại học Huế hân hoan bước vào một sự kiện thiêng liêng: Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và 68 năm hình thành, phát triển. Nhưng hơn cả một ngày hội, buổi lễ năm nay trở thành mốc son khó quên trong lịch sử nhà trường – khi được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

leftcenterrightdel
 Trường Đại học Luật, Đại học Huế luôn chú trọng phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sức trẻ của đoàn viên, sinh viên trong toàn trường vào các hoạt động tình nguyện trên địa bàn TP Huế.

Đây không chỉ là phần thưởng cao quý ghi nhận những thành tích nổi bật trong giáo dục, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về vị thế của một cơ sở đào tạo pháp lý uy tín, bản lĩnh giữa trung tâm đất học miền Trung.

Thành tựu ấy không thuộc về riêng ai. Đó là kết tinh của hàng trăm trái tim – từ người giảng viên đêm đêm miệt mài chuẩn bị bài giảng, đến những sinh viên thức trắng với phiên tòa giả định; từ những người thầy lặng lẽ nghiên cứu, công bố quốc tế, đến các cô lao công, chú bảo vệ cần mẫn mỗi sớm mai. Mỗi người – bằng cách riêng của mình – đã góp vào ngôi trường ấy một phần trí tuệ, một phần tuổi trẻ, một phần hy sinh không tên nhưng đáng kính.

leftcenterrightdel
 Trường Đại học Luật, Đại học Huế chính thức giữ vai trò Chủ tịch Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam nhiệm kỳ 2024–2026.

Và hôm nay, khi ánh huân chương lấp lánh trước sân khấu, nó không chỉ là vinh quang – mà còn là cam kết. Cam kết tiếp tục gìn giữ ngọn lửa đã thắp suốt gần bảy thập kỷ, cam kết đưa trường Đại học Luật, Đại học Huế trở thành một biểu tượng thực sự của công lý – học thuật – và trách nhiệm xã hội giữa lòng cố đô Huế.

Và mai này…

Khi những thế hệ sinh viên mới bước qua cánh cổng 20 Võ Văn Kiệt, họ có thể chưa hình dung hết bề dày 68 năm, chưa từng đọc tên những người đã âm thầm vun đắp ngôi trường từ bụi đất thành biểu tượng.

Nhưng họ sẽ cảm nhận – từ cách giảng viên giảng bài, cách nhân viên cười chào ở cổng, cách lá cây rơi trên sân đá trắng – rằng họ đang học ở một nơi có hồn, có ký ức, có niềm tin.

Trường Đại học Luật Huế không chỉ đào tạo Kiểm sát viên, Thẩm phán, Luật sư tương lai – mà còn tạo nên những con người hiểu luật, sống tử tế và có trách nhiệm với xã hội. Và đó – mới chính là điều luật cao nhất mà một ngôi trường có thể dạy.

H.Long - X.Nha - Đ.Đức