Liên quan đến thông tin một lớp có 42/43 học sinh giỏi, trao đổi với PV ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết Sở đã yêu cầu đơn vị quản lý trực tiếp trường THCS giải trình.

Trước đó, ngày 19/5, sau khi đi họp lớp cuối năm cho con trai học khối 6 thuộc trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu), anh Vinh - một phụ huynh đã rất băn khoăn: Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn "nhân tài". Lớp có 43 cháu thì có 42 cháu là học sinh giỏi.

leftcenterrightdel
Kết quả của lớp được vị phụ huynh ghi lại.

“Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài. Những bạn khác trong lớp như nào tôi không rành, riêng con tôi, nói ra mọi người thông cảm, chưa thấy đứa trẻ nào thất bại như nó. 12 tuổi nhưng không biết yêu thương, không biết tôn trọng người khác, không tự chịu trách nhiệm với bản thân, không thể chủ động sinh hoạt. Tệ đến nỗi chưa bao giờ thấy cháu nó nói được một câu rõ nghĩa và chuẩn mực.

Tôi không có ý đổ lỗi cho nhà trường khi cháu kém kỹ năng sống, tất cả lỗi đều do gia đình mà ra. Nêu lên sự việc như vậy để mọi người thấy và so sánh sự chênh lệch giữa học và hành xa vời như thế nào”.

Sau khi câu chuyện một lớp có 42/43 học sinh đạt học sinh giỏi chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến, cho rằng đây lại là một biểu hiện của bệnh thành tích.

Trong khi đó, thầy Hồ Như Ngọc, giáo viên THPT tại Thanh Hóa, lại cho rằng kết quả trên quá... bình thường, nam giáo viên đã gặp nhiều và từng được yêu cầu phải "phóng" điểm cho học sinh. Không ít thầy cô cho biết có thể giáo viên đã gặp nhiều áp lực từ phía cấp trên, phụ huynh, buộc phải cho điểm dễ dãi để học sinh đạt loại khá, giỏi.

Tuệ Anh(T/h)