Ngày 17/3, Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
|
|
Số ca mắc COVID đã có dấu hiệu giảm nhẹ. |
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tuần vừa qua (từ 10/3 đến 16/3/2022), Hà Nội trung bình ghi nhận 28.968 ca bệnh/ngày, tương đương kỳ báo cáo trước. Trong đó, ngày cao nhất ghi nhận 31.899 ca, song số ca bệnh có dấu hiệu giảm nhẹ.
Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, thời gian qua, số mắc vẫn còn cao nhưng đang có xu hướng giảm, các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch (kiểm soát tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống) vẫn được đảm bảo, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong đó, công tác phòng, chống dịch được triển khai quyết liệt, hiệu quả…
Tại cuộc họp, đại diện Sở Du lịch cho biết, kể từ ngày 15/3, hoạt động du lịch đã được mở cửa hoàn toàn bao gồm cả du lịch nội địa, đón khách quốc tế, đưa khách đi nước ngoài.
Sở Du lịch đang khẩn trương xây dựng Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Trung ương và Thành phố. Trong thời gian tới, Sở Du lịch kiến nghị các địa phương có kế hoạch tổ chức hoạt động du lịch đồng bộ, từ các điểm di tích đến các dịch vụ liên quan.
Thông tin tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa cho biết, tuần qua, tỷ lệ giáo viên và học sinh mắc COVID-19 giảm mạnh. Tình hình dạy học trực tiếp tại các trường vẫn đảm bảo và duy trì thích ứng linh hoạt theo các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của thành phố và ngành Giáo dục.
Trước diễn biến của dịch COVID-19, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền cập nhật thông tin đầy đủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch; đồng thời, tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục kịp thời báo cáo, xây dựng các phương án phù hợp với tình hình thực tế để cho học sinh trở lại trường.
Về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể để các quận, huyện, thị xã căn cứ vào số ca mắc để chủ động quyết định việc dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 phù hợp tình hình mới.
|
|
Ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. |
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, những ngày qua, số ca mắc COVID-19 vẫn còn cao nhưng đã có xu hướng giảm, tỷ lệ bệnh nhân F0 nhập viện thấp, số ca tử vong giảm.
Điều đó cho thấy, Thành phố đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Thành phố đã rà soát, kiện toàn, bổ sung lại các Tổ theo dõi, hỗ trợ người nhiễm COVID-19 tại nhà và Tổ COVID-19 cộng đồng với gần 120 nghìn người tham gia.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, đến nay thành phố đã “mở cửa” trở lại các hoạt động để thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng đảm bảo kiểm soát tình hình dịch. Vì thế, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.
Trong đó, chú trọng công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Ông Chử Xuân Dũng cũng lưu ý các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các bệnh nhân F0 có bệnh nền, người già, nhóm có nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục huy động sự vào cuộc của các tổ hỗ trợ, chăm sóc F0 điều trị tại nhà. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc xin bổ sung mũi 3 và kết thúc trong tháng 3 này.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai việc thực hiện chữ ký số nhằm hỗ trợ giải quyết thủ tục thanh toán bảo hiểm xã hội cho các bệnh nhân F0.
Việc Thành phố mở cửa trở lại các hoạt động không có nghĩa là buông lỏng, mà “mở cửa” có kiểm soát, quản lý hiệu quả. Công việc sẽ nhiều hơn, trách nhiệm nặng nề hơn, đòi hỏi các địa phương phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch.