Đi thực tế nhiều, Bộ trưởng Giáo dục thấy gì?
Cập nhật lúc 14:08, Thứ tư, 19/03/2014 (GMT+7)
Năm 2013 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “ghi điểm” với chuyến công tác tới Bản Khoang (thôn Can Hồ A (xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, Lào Cai). Tuy nhiên, ông Luận cho biết Bản Khoang chưa phải là địa điểm sâu nhất mà ông Luận đã tới.
“Làm thứ trưởng Bộ GD-ĐT từ năm 2004 tới khi lên làm bộ trưởng vào năm 2010, là ngần đó năm tôi làm trưởng ban chỉ đạo các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, thường xuyên có mặt ở những vùng sâu, vùng xa” – ông Luận cho biết trong một lần gặp gỡ báo giới.
“Tôi đi, phần vì tự giác, cảm thấy những nơi đó cần mình hơn là những nơi vui vẻ xã giao. Sau này, tôi cũng nhận ra rằng, lãnh đạo cấp trên muốn tôi có mặt tại những vùng khó khăn đó để hiểu rõ tình hình thực tế”.
Những chuyến đi mà theo ông Luận, có khi phải đi bộ tới hàng chục km, tới những điểm trường nằm ở nơi xa xôi nhất.
Từ những chuyến đi này, có một vấn đề mà ông Luận rất trăn trở.
Đó là việc theo quy định trước đây, giáo viên miền xuôi tình nguyện lên miền núi dạy học được hưởng phụ cấp thu hút trong 5 năm, sau thời gian này các thầy cô sẽ được trở về miền xuôi. Nhưng thực tế nảy sinh vấn đề: sau 5 năm, nhiều thầy cô vẫn ở lại miền núi với nhiều lý do như không tìm được chỗ làm việc dưới xuôi, có thầy cô gắn bó với vùng đất mới, đã lập gia đình, tạo dựng cuộc sống mới nên không muốn trở về…
Dù với lý do gì, phải ở lại hay tự nguyện, thì những thầy cô này cũng bị cắt phụ cấp sau 5 năm được hưởng. Trong khi đó, những giáo viên miền xuôi mới lên được hưởng phụ cấp. Điều này dẫn đến nghịch lý là người có thâm niên dạy học ở miền núi thu nhập lại thấp hơn những giáo viên “mới tinh”.
“Bộ GD-ĐT đã phải “đấu tranh” về việc này. Tôi đã từng nói, chúng ta phải có lời xin lỗi đối với các giáo viên ở lại miền núi, khi các thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân ở những nơi xa xôi này, khi chúng ta không thể bố trí “trả” cho các thầy cô một chỗ dạy ở quê hương dưới xuôi. Với các thầy cô, chúng ta không thể tăng thêm thu nhập thì thôi, tại sao lại còn cắt”.
Với sự “đấu tranh” này, sau khi Thủ tướng ký quyết định giữ nguyên phụ cấp cho các thầy cô giáo ở lại miền núi giảng dạy sau 5 năm, “đêm đó tôi không ngủ được, hồi tưởng lại những thời gian, những khoảng khắc gặp các giáo viên miền núi trong những chuyến công tác, khi thì gặp các cô giữa đường rừng, lúc cùng ăn cơm tại những điểm trường heo hút…”.
Theo Vietnamnet
.