Công tác đào tạo nghề và giáo dục nghề nghiệp nói chung đang đứng trước nhu cầu đổi mới bức thiết để lấp đầy những khoảng cách trong đáp ứng yêu cầu xã hội. Đó là sự thiếu các giải pháp gắn cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng lao động, các chính sách đủ mạnh tạo cả "lực đẩy" và "lực hút" để phân luồng cho người học.
 


Chưa thể phân luồng

Những kết quả khảo sát của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) gần đây cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có những bước chuyển biến nhất định từ đào tạo theo hướng "cung" sang đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động, đặc biệt là các trường CĐ nghề. Chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực với khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề và một số cơ sở, tỉ lệ này đạt trên 90%. Một số nghề đã đào tạo tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới như hàn, CNTT, điện tử, du lịch, dầu khí, viễn thông..., bước đầu đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, các ngành kinh tế mũi nhọn, các doanh nghiệp FDI và cho xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, Bộ LĐ,TB&XH cũng đánh giá, giáo dục nghề nghiệp còn những hạn chế lớn. Đa số cơ sở chủ yếu đào tạo những nghề phổ biến, cơ cấu trình độ chưa phù hợp nhu cầu của từng ngành, từng địa phương. Một số ngành nghề kém hấp dẫn khó tìm việc, hoặc thu nhập thấp, không thu hút được người học, nhưng chưa có chính sách đủ mạnh để khắc phục. Về chất lượng đào tạo, nhiều học sinh, sinh viên hạn chế về khả năng vận dụng kiến thức vào sản xuất và đời sống, chưa thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động.

Trong nhiều năm qua, cả nước đang đẩy nhanh tiến độ phổ cập THCS, trong khi chủ trương phân luồng cho học sinh tốt nghiệp THCS chưa thực hiện được. Công tác tư vấn hướng nghiệp cho thanh thiếu niên chọn nghề còn yếu kém, tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề, dẫn đến tình trạng mở quá nhiều trường ĐH thu hút nguồn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.

Ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, cũng thừa nhận sự thất bại của các giải pháp phân luồng. Theo đó, hằng năm, số chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ hệ chính quy chỉ chiếm 70% số học sinh tốt nghiệp THPT. Nếu cộng cả số đã tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này lên đến gần 400.000 học sinh. Theo ông Nghệ, nếu những học sinh này được học giáo dục nghề nghiệp từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn.

Phân hóa để chủ động chọn nghề

Bộ LĐ,TB&XH đã viện dẫn nhiều con số để cho thấy chủ trương phân luồng đã không thực hiện được. Trong giai đoạn 2001-2005, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS mặc dù có xu hướng giảm đi, nhưng vẫn rất cao, từ 96% đến gần 99%. Như vậy, ngoại trừ một số học sinh bỏ học giữa chừng, khoảng trên 1%, còn hầu hết học sinh đều tốt nghiệp THCS. Nhiều địa phương có tỉ lệ đạt 100%. Vấn đề đặt ra là sau khi tốt nghiệp THCS, phần lớn các em tiếp tục học lên THPT, không phân luồng vào TCCN hoặc dạy nghề, hay vào thị trường lao động (năm học 2007-2008 chỉ có 1,8% số học xong lớp 9 vào TCCN và 2,5% vào học nghề).

Kể từ năm học 2005-2006, Bộ GD-ĐT lại có chủ trương không thi tốt nghiệp THCS mà chỉ thi hết lớp. Vì vậy, trừ một số lượng nhỏ bị lưu ban hoặc vì những lý do khác không học hết THCS, còn hầu hết học sinh học xong THCS đều vào THPT. Chính vì vậy, số học sinh THPT năm sau đều cao hơn năm trước. Hơn nữa, sau 3 năm học THPT, tỉ lệ tốt nghiệp cũng rất cao và có xu hướng tăng lên. Nếu như tỉ lệ này năm học 2001-2002 là 89,84%, thì đã tăng lên 98,79% vào năm học 2010-2011. Vùng Tây Nguyên có tỉ lệ thấp nhất thì cũng gần 90%. Năm học 2012-2013, sau rất nhiều nỗ lực siết chặt công tác thi cử, tỉ lệ này trên cả nước có giảm so với trước nhưng cũng đạt 97,5%. Tỉ lệ rất cao này còn là một trong những nguyên nhân tạo ra sức ép đối với các đợt thi tuyển vào ĐH, CĐ hằng năm.

Để việc phân luồng không còn là điểm "nghẽn" của giáo dục nghề nghiệp, trong dự thảo đề án đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT đang được hoàn thiện, nhiều giải pháp đã được đặt ra. Trong đó, đáng chú ý, chương trình giáo dục sẽ chú trọng tới định hướng nghề nghiệp của người học thông qua nội dung giáo dục được thiết kế phân hóa dần ở các lớp học trên. Theo đó, số môn bắt buộc giảm đi, tăng các nội dung tự chọn lên. Các chuyên gia cho rằng, dạy học phân hóa ở bậc THPT giúp định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đáp ứng được yêu cầu phân công lao động trong xã hội, cung cấp nguồn nhân lực cho các trường nghề cũng như cho GD ĐH, CĐ.

Đánh giá tính khả thi của hướng dạy học phân hóa liên quan tới định hướng nghề và phân luồng, những nhà soạn thảo đề án đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT khẳng định: Việc chuyển sang học tự chọn với rất ít môn bắt buộc, các trường có thể chủ động lựa chọn các nghề ở địa phương, chủ động cùng các doanh nghiệp, nhà máy, công ty địa phương liên kết về dạy các nghề này, phục vụ công tác dạy nghề, hướng nghiệp của trường. Học sinh sẽ được học các môn hoặc các chủ đề tự chọn, phụ thuộc vào khả năng đáp ứng tăng dần của các trường, hoặc được giới thiệu đến học ở các trường, các doanh nghiệp, nhà máy... lân cận.
 

Theo Hà Nội mới