Báo Điện tử Congluan.vn nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan đến đến Trường ĐH Thành Đông (địa chỉ tại Phường Tứ Minh, TP Hải Dương) trong thời gian vừa qua đã tổ chức liên kết, phối hợp đào tạo trái quy định  trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 
 
Nhiều vấn đề đặt ra với hoạt động liên kết đào tạo cấp bằng Đại học Luật ở Đại học Thành Đông
Nhiều vấn đề đặt ra với hoạt động liên kết đào tạo cấp bằng Đại học Luật ở Đại học Thành Đông
 
Như báo Điện tử Congluan.vn đã phản ánh, Trường Đại học Thành Đông hiện đang đào tạo liên thông, văn bằng 2 Đại học với loại hình đào tạo chính qui ngành Luật kinh tế trên địa bàn Thái Nguyên.
 
Để làm rõ những thông tin bạn đọc phản ánh trên,  PV đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Lê Văn Hùng –  Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thành Đông – về lớp Đại học đặt tại trường Trung cấp nghề Thái Nguyên. Ông Hùng cho biết : Do nhu cầu học Luật tại địa phương rất nhiều nên Tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị Trường Đại học Thành Đông mở lớp đào tạo liên thông. Đây là lớp tại chức vừa làm vừa học, thứ bảy, chủ nhật, đã có sự đồng ý của UBND tỉnh và Sở Giáo dục – Đào tạo.
 
Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp các văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên và Sở GD-ĐT Thái Nguyên thì ông chưa cung cấp được mà hẹn vào một buổi khác. Theo ông Hùng, lớp đào tạo Đại học Luật trên Thái Nguyên  do Viện trưởng Viện đào tạo nguồn nhân lực (trực thuộc trường Đại học Thành Đông – VP) thực hiện và cầm  tất cả hồ sơ.
 
Theo Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, đối tượng áp dụng quy định này là các trường đại học, học viện, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học trong liên kết đào tạo theo các hình thức giáo dục chính quy và vừa làm vừa học; các trung tâm giáo dục thường xuyên trong liên kết đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học. Như vậy, về thực chất,  trường Đại học Thành Đông đang liên kết đào tạo với đơn vị nào được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép như ông Hùng nói?
 
Cũng theo Quyết định 42/2008/QĐ-BGDĐT, mục đích của hoạt động liên kết đào tạo là đào tạo theo nhu cầu xã hội; huy động tiềm năng của các trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương; tạo cơ hội học tập cho nhiều người trên cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng và xã hội hoá giáo dục.
 
Tuy nhiên, điều khó hiểu là ngay tại tỉnh Thái Nguyên có rất nhiều trường công có uy tín về chuyên ngành Luật, có nhiều trường đào tạo có uy tín và nhiều năm kinh nghiệm nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nếu đúng như ông Hùng khẳng định với PV, thì UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý về chủ trương cho một trường Đại học dân Lập tại một tỉnh xa là Hải Dương là một dấu hỏi lớn về đảm bảo công bằng cho các trường đào tạo tại Thái Nguyên?
 
Bên cạnh đó, theo Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2015/TT-BGDĐT (bổ sung, sửa đổi TT 55/2012/TT-BGDĐT) về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng và đại học thì các liên thông cấp bằng chính quy được đào tạo  tổ chức, quản lý theo  hệ thống tín chỉ. Đào tạo liên thông chính quy phải tập trung toàn bộ thời gian tại cơ sở giáo dục đại học được phép đào tạo liên thông để thực hiện chương trình đào tạo. Sinh viên hệ liên thông chính quy học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy. Việc trường Đại học Thành Đông đào tạo tại Thái Nguyên như bạn đọc phản ánh đã vi phạm nghiêm trọng quy định của hai thông tư này.
 
Thực hư việc cấp phép cho trường Đại học Thành Đông đào tạo tại Thái Nguyên như thế nào? Các cơ quan chức năng, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thái Nguyên nói gì về các lớp học này, chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc.
 
 
Theo Công luận