Trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình có điều kiện chăm lo cho con cái về mọi mặt. Tuy nhiên, vượt qua ranh giới của sự chăm sóc, quan tâm, nhiều phụ huynh đã nuông chiều, bao bọc con cái một cách quá đà mà không ý thức được hậu quả.

 


“Nâng như nâng trứng…”

Vợ chồng chị Mai Thanh Bình (Khu đô thị Chí Linh, phường 10, TP. Vũng Tàu) có cậu con trai tên Đạt năm nay gần 10 tuổi. Tuy nhiên, anh chị chưa bao giờ để con phải làm bất cứ việc gì trong nhà. Từ sắp xếp sách vở, quần áo cho con đi học đến nấu cơm, rửa bát, dọn đồ chơi, anh chị đều đảm nhiệm. Ngày nào bé Đạt cũng đi học võ từ 6 đến 7 giờ tối. Sợ con đói nên vừa đi làm về, chị đã lao vào bếp, tất bật chuẩn bị đồ ăn cho con trước khi đi học. Ăn xong, cậu bé chỉ việc đứng một chỗ chờ mẹ phục vụ từ việc mặc võ phục đến xỏ giày. Lớp học võ nằm ngay trong khu đô thị nên ít xe cộ qua lại, cách nhà chừng 200m, nhưng vợ chồng chị vẫn thay phiên nhau đưa đón con. Hễ ai góp ý thì chị kể: “Có hôm để cháu tự xỏ giày, đến khi tập, giày tuột ra, văng cả vào người bạn. Cháu bị thầy phạt chạy mấy vòng công viên. Một lần giúp mẹ rửa bát thì đánh vỡ bát. Thôi thì việc gì cháu chưa làm được, mình vẫn phải làm giúp. Chứ để mặc con làm rồi đi “khắc phục hậu quả” cũng mệt!”.

Cùng quan điểm với chị Bình, ngoài giờ học ở trường, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Trang (phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) chỉ muốn con quanh quẩn trong tầm kiểm soát. Thấy anh chị bao bọc con quá mức, đồng nghiệp gợi ý anh chị cho con tham gia học kỳ quân đội. Thế nhưng, chị Trang lập tức gạt phắt đi: “Nếu sáng đi tối về thì mình còn xem xét. Chứ để con đi biền biệt cả tuần như vậy làm sao yên tâm được!”. Với sự bao bọc kỹ càng, ngoài giờ học, hai bé Bi và Bin con trai chị Trang chỉ quanh quẩn trong “vùng phủ sóng” của cha mẹ. Đến công ty, việc đầu tiên chị làm là truy cập vào trang web có truyền hình ảnh trực tiếp từ camera ở trường để theo dõi mọi hoạt động của con.

Nên “buông” để con tự lập

Được cha mẹ nuông chiều, bé Đạt, con chị Mai Thanh Bình trở nên thụ động, luôn chờ cha mẹ phục vụ, nhắc nhở trong tất cả mọi việc, từ học bài đến ăn uống, vệ sinh cá nhân. Nhiều khi bận bịu, căng thẳng vì công việc, lại thêm việc chăm chút cho con khiến chị mệt mỏi. Tuy nhiên, việc nuông chiều con đối với vợ chồng chị đã trở thành một thói quen khó bỏ. Còn với gia đình chị Nguyễn Thị Thu Trang, hai con chị đều nhút nhát hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Cu Bi và cu Bin thường tỏ ra khá bất an khi rời tầm kiểm soát của cha mẹ, ngơ ngác, e sợ, không dám khám phá thế giới xung quanh.

Theo bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐTBXH): Chăm sóc, bảo vệ con cái là cách các bậc phụ huynh thể hiện tình yêu thương dành cho con, đó là việc làm đúng đắn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, do có điều kiện kinh tế, lại sinh ít con nên nhiều gia đình phát sinh tâm lý bao bọc, nuông chiều con cái một cách thái quá. Bên cạnh đó, hiện nay, trong đời sống có quá nhiều tệ nạn, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khiến người làm cha làm mẹ lo lắng, cố gắng làm mọi cách để con được an toàn. Nuông chiều, bao bọc con cái một cách quá đà làm phát sinh nhiều hệ lụy mà họ không lường trước được. Nó khiến con ỷ lại, sống ích kỷ, không phát huy được tính tự lập và thiếu kỹ năng sống. Không những vậy, bước ra khỏi “lồng kính” do cha mẹ tạo nên, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập với thế giới xung quanh. Bà Trương Thị Ánh Ngà chia sẻ: “Để tạo điều kiện cho con trưởng thành, khôn lớn, cha mẹ cần chủ động rèn luyện cho con tính tự giác và những kỹ năng sống cơ bản ngay từ khi con nhỏ. Đồng thời, cần phối hợp với nhà trường, xã hội cho trẻ tham gia các khóa học đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, tránh tác động xấu từ xã hội, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích... Và quan trọng hơn cả là tạo cho trẻ môi trường sống an toàn, lành mạnh từ trong gia đình, trường học đến nơi công cộng để các bậc phụ huynh có thể yên tâm “buông” cho con mình tự trưởng thành”.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
.