leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi Họp báo.

Dự họp báo, về phía Bộ GD&ĐT có: ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Tổ chức; ông Hoàng Đức Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên; ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bà Trịnh Hoài Thu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học.

Dự họp báo có sự tham dự của: Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức; nhà báo Dương Thị Thanh Hương – Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; bà Đặng Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Thành viên Ban Tổ chức; bà Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam, thành viên Ban tổ chức; bà Võ Hồng Hạnh - Giám đốc Ban Marketing, Truyền thông và Tuyển sinh - Trường Đại học Anh quốc Việt Nam; bà Đinh Thị Xuân Hòa – Phó Viện trưởng Viện Báo chí truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ông Lê Thanh Kim – Phó tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân; ông Trịnh Quốc Đông – Phó trưởng ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam;

Dự họp báo còn có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo các cơ quan Ban, Ngành Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện sở, ngành các địa phương và đặc biệt là các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan thông tin báo chí trên cả nước.

Sân chơi để phóng viên, nhà báo có thêm động lực, giao lưu

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận, báo chí luôn đồng hành, chia sẻ với ngành Giáo dục. Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là sân chơi để phóng viên, nhà báo có thêm động lực, giao lưu. Qua mỗi năm, Ban tổ chức rút kinh nghiệm để Giải ngày càng có ý nghĩa, mang lại giá trị lớn và lan tỏa những giá trị tích cực đến xã hội.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Giải nhằm tôn vinh các phóng viên, nhà báo và vinh danh các nhà giáo, những tấm gương điển hình tiên tiến trong dạy – học.

Bên cạnh phản ánh những vấn đề “nóng”, những tấm gương, mô hình; Thứ trưởng mong muốn các tác phẩm dự thi sẽ đề cập đến những vấn đề có tính hệ thống, tác động lâu dài như: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng cũng trân trọng ghi nhận các tác phẩm có tầm nhìn, với những dự báo để ngành Giáo dục có thêm cơ sở hoàn thiện chính sách.

Với kinh nghiệm và năng lực của mình, Thứ trưởng tin tưởng các phóng viên, nhà báo sẽ lựa chọn được chủ đề hay, đề tài sắc sảo để đầu tư chuyên sâu tham gia dự Giải. Hy vọng, tất cả các phóng viên, nhà báo tham dự đều đoạt giải trong năm nay.

Thông tin về thể lệ Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024

Thông tin về thể lệ, nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức cho biết:

Tác giả tham gia Giải là công dân Việt Nam, bao gồm những nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, có tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phù hợp với tiêu chí của Giải.

Tác giả dự Giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác. Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa 5 tác phẩm tham dự Giải. Thành viên Hội đồng chấm Giải, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức không gửi tác phẩm tham dự Giải.

Tác phẩm báo chí tham dự Giải là những tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2023 đến 5/9/2024. Nếu tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên.

Không xét các tác phẩm đang chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền; tác phẩm đoạt giải của Giải báo chí Quốc gia hoặc các Giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác. Các tác phẩm dự thi phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm được công bố.

Về tiêu chí xét trao Giải, tác phẩm bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về Giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới Giáo dục. Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu.

Các hoạt động giáo dục tiêu biểu đã và đang triển khai ở các địa phương, cơ sở giáo dục các cấp học từ mầm non đến đại học.

Các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả, thành tích nổi bật, đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Những câu chuyện xúc động, có ảnh hưởng, tác động tích cực và truyền cảm hứng đối với xã hội về hình ảnh người thầy và những cống hiến của họ đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước. 

leftcenterrightdel
 Bà Đinh Thị Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Báo chí truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thay mặt Hội đồng giám khảo phát biểu.

Thay mặt Hội đồng giám khảo cuộc thi, bà Đinh Thị Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Báo chí truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho biết: Năm 2024 là năm thứ 7 Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” được tổ chức.

Giải do Bộ GD&ĐT chủ trì, có sự phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Báo Giáo dục và Thời đại được Bộ GD&ĐT giao là đơn vị thường trực tổ chức thực hiện.

Thông qua Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, giúp xã hội nhìn nhận và đánh giá khách quan về những đóng góp của ngành Giáo dục với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Qua đây, giúp xã hội hiểu đúng, đầy đủ về giáo dục; từ đó chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành với thầy, cô giáo trên cả nước nói riêng và toàn ngành Giáo dục nói chung.

Mùa giải trước, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự, ở 4 loại hình báo chí, gồm: Báo in, báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình; được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 5/9/2022 đến 5/9/2023. Chất lượng các tác phẩm dự thi khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục.

Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức. Các tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học.

Nhiều tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành Giáo dục; những tấm gương người tốt, việc tốt; tấm lòng cao cả, sự cống hiến hết mình của người thầy… Trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện “gieo chữ” ở những nơi xa xôi của Tổ quốc.

Thông qua các tác phẩm báo chí, chúng ta thấy được sự dấn thân của phóng viên để những tấm gương về nhà giáo, những giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang lại được lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Hoan nghênh các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo đã tích cực tham gia Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, Ban tổ chức mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước.

Bà Đinh Thị Xuân Hòa nhấn mạnh: Trong công cuộc đổi mới, ngoài thời cơ và thuận lợi, ngành Giáo dục sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng tôi luôn mong muốn, trân trọng mọi sự chung tay, góp sức ủng hộ ngành Giáo dục; trong đó không thể thiếu ủng hộ, đồng hành từ các cơ quan báo chí, truyền thông.

Mong Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" lần thứ VII - năm 2024 và những năm tiếp theo tiếp tục được các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên, nhà báo tích cực hưởng ứng, tham dự, đóng góp tác phẩm báo chí xuất sắc về giáo dục.

Trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi phóng viên báo chí quan tâm

Tại họp báo, đại diện Ban Tổ chức đã có những trao đổi, trả lời đề xuất của các phóng viên, nhà báo đối với Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Với đề nghị bổ sung thể loại báo ảnh, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Ban tổ chức Giải đã quan tâm, lưu ý đến việc này và sẽ có những chuẩn bị cần thiết, xin ý kiến, khảo sát, đánh giá... kỹ lưỡng để có thể đưa báo ảnh vào các loại hình báo chí dự Giải; đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng như mong mỏi của độc giả.

Trả lời câu hỏi về đánh giá chất lượng các tác phẩm dự Giải trong 6 năm qua, nhà báo Triệu Ngọc Lâm thông tin, mỗi năm Ban Tổ chức nhận được gần 1.000 tác phẩm dự thi; số lượng tác phẩm ở cả 4 loại hình ngày càng phong phú, chất lượng cũng ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, số lượng những tác phẩm báo chí tích hợp đa phương tiện, bảo đảm quy chuẩn tác phẩm báo chí trong bối cảnh hiện đại hóa báo chí giai đoạn hiện nay, thể hiện khả năng chuyên môn, sự đầu tư nghiêm túc của tác giả… ngày càng dồi dào.

leftcenterrightdel
 Nhà báo Triệu Ngọc Lâm giải đáp câu hỏi của các nhà báo.

Về ý kiến mong muốn Ban Tổ chức chia sẻ thông tin về nhân vật tiêu biểu sau khi được lựa chọn, nhà báo Triệu Ngọc Lâm khẳng định Ban Tổ chức luôn quan tâm đến các thầy cô và sự quan tâm, hỗ trợ này là một quá trình. Bên cạnh hỗ trợ của Ban Tổ chức, những hỗ trợ từ công tác xã hội hóa, các thầy cô cũng nhận được những món quà tri ân từ đông đảo bạn đọc cả nước.

Khẳng định, Ban tổ chức luôn trân trọng những tác phẩm dự và không phân biệt nội dung phản án tích cực, hay tiêu cực, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam, thành viên Ban tổ chức nhấn mạnh, tất cả các tác phẩm báo chí có tác động tích cực đến ngành Giáo dục đều được chào đón.

Ban tổ chức khuyến khích tác phẩm nêu vấn đề, phát hiện vấn đề, những mẫu thuẫn và những yếu tố dẫn tới cản trở làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục. Tuy nhiên, khi viết về tiêu cực cần có động cơ thúc đẩy phát triển giáo dục, phải phân tích hệ thống nguyên nhân, giải pháp đi kèm, chứ không nêu vấn đề hoặc “vạch lá tìm sâu”.

“Chúng tôi sẽ xem xét sự dấn thân, giá trị đạo đức của nhà báo. Một tác phẩm được Giải phải mang đến những giá trị cho ngành Giáo dục, tạo ra sự chuyển tốt trong thực tiễn” - bà Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh và khuyến khích cả báo Trung ương, địa phương cùng hưởng ứng tham gia tích cực.

PĐT