Đó là câu hỏi mà giới chuyên môn cũng như rất nhiều người dân đặt ra trước quyết định xếp Lịch sử trở thành môn học tự chọn của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam.

 

 

Các nhà mô phạm nói gì?

 

GS. Trần Thị Vinh (khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, môn “Công dân với Tổ quốc” có nội dung chủ yếu là “giáo dục đạo đức, kiến thức pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống, những hiểu biết ban đầu về công dân, quốc phòng và an ninh”: “Toàn bộ là các kiến thức về chính trị, xã hội đương đại. Vậy còn những câu chuyện chống thù trong giặc ngoài, dựng nước và giữ nước suốt 4.000 năm sẽ đi về đâu? Liệu sẽ còn chỗ cho những huyền thoại về Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, hay xa hơn là thuở sơ khai của Vua Hùng?” Trước ý kiến của Bộ về việc nội dung lịch sử sẽ còn được tích hợp trong nhiều môn học khác, theo GS. Vinh, đó là cách hiểu “tích hợp quá rộng”: “Học tác phẩm văn học thì phải học hoàn cảnh lịch sử, trước giờ đã là như vậy rồi. Nhưng chỉ là sử dụng một ít kiến thức lịch sử trong khi dạy văn thôi chứ không phải là tích hợp”.

 

Tại Hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức vào trung tuần tháng 11 vừa qua, GS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gọi việc Bộ GD&ĐT tích hợp môn Lịch sử với môn học khác là “một cuộc cưỡng duyên kỳ lạ”. Tích hợp lịch sử với “Giáo dục - Quốc phòng An ninh” và “Đạo đức công dân” có thể khiến học sinh nhìn nhận phiến diện Lịch sử như một môn khoa học bản lề, chỉ bao gồm chiến tranh mà bỏ qua sự phát triển về xã hội, biến đổi của nếp nghĩ, phong tục, văn hóa”.

 

Tương tự, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng chỉ ra, theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015, chỉ 153.600 em đăng ký thi môn Sử: “Như vậy tức là kể cả khi môn Lịch sử đang là môn bắt buộc thì học sinh cũng vẫn rất thờ ơ, chưa kể giờ đây sẽ bị tích hợp vào trong môn học khác. Dù Bộ GD&ĐT có giải thích thế nào thì chương trình mới, trên thực tế đã “khai tử” môn Lịch sử. Khi kiến thức bị cắt nhỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn học khác thì môn Lịch sử đã không còn với vị thế của một môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của nó”.

 

Hãy giúp học sinh yêu Sử hơn

 

Theo cô Thu Thủy (một giáo sư đã nghỉ hưu), điều mà những nhà giáo dục nên làm không phải là cho học sinh quyền chọn học môn Sử hay không mà là làm thế nào để khiến các em có hứng thú với giờ học Lịch sử. “Học sinh không phải những cái ổ cứng máy tính mà chúng ta muốn nhập bao nhiêu dữ liệu thì nhập. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục ép suông học sinh nhớ xem bao nhiêu máy bay rơi, bao nhiêu xe tăng nổ, bao nhiêu lính thiệt mạng trong một trận đánh thì có cải cách bao lần đi nữa thì học sinh cũng chẳng bao giờ yêu nổi môn Lịch sử. Ngược lại chúng ta phải cho các em được tự do thảo luận trong lớp, cho phép được nêu quan điểm cá nhân rồi khuyến khích các em tìm hiểu thêm các nguồn tư liệu ngoài sách giáo khoa để gợi sự hứng thú nơi các em. Khi học sinh thấy yêu môn học của mình, tự khắc mọi dữ kiện lớn bé sẽ vào đầu”.

 

Theo NTD

.