Đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2015 - 2016, khi tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ, cô Lê Thị Ngọc Kiều, giáo viên trường THCS Phú Cường, huyện Cai Lậy để lại nhiều ấn tượng đẹp trong buổi lễ tổng kết, tuyên dương khen thưởng.
Năm 2003, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Cần Thơ, cô Kiều được nhận về giảng dạy tại Trường THCS Phú Cường cho đến nay.
Nhờ sự phấn đấu không biết mệt mỏi của mình, những năm qua cô Kiều đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, rồi đạt giáo viên giỏi cấp huyện. Ðây là bước khởi đầu đánh dấu sự tiến bộ về chuyên môn của mình.
Cô Kiều cho biết: “Muốn đạt tiết dạy giỏi thì người giáo viên phải nắm vững yêu cầu về phương pháp và nội dung trọng tâm của bài dạy; vận dụng phương pháp dạy học thích hợp để truyền tải kiến thức đến học sinh đầy đủ, chính xác, đảm bảo đặc trưng của môn học”.
Niềm vui được nhân đôi, khi cô Kiều được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cai Lậy cử tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Cô ý thức được đây là kỳ thi đòi hỏi tính chuyên môn cao nên chuẩn bị kỹ về mọi mặt như nghiên cứu bài dạy, chọn phương pháp dạy học phù hợp nhất, các đồ dùng cần cho tiết dạy, thao tác khi lên lớp, dự kiến các tình huống sư phạm có thể xảy ra để hoàn chỉnh giáo án một cách chi tiết. Có như vậy, khi lên lớp mới thấy tự tin, tiết học mới đạt hiệu quả. Và không phụ lòng tin của mọi người, cô Kiều đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh
Theo cô Kiều, để có được lớp học trò giỏi, người giáo viên cần có trình độ chuyên môn vững vàng, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Với cô, sử dụng phương pháp dạy đàm thoại gợi mở, tích hợp liên môn. Với phương pháp dạy mới, giáo viên chỉ đóng vai trò là trung tâm điều khiển học sinh làm việc, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Trong tiết dạy cô Kiều cũng rất cởi mở, hài hòa, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của học sinh, như vậy các em mới tự tin phát biểu hoặc trình bày vấn đề, thể hiện chính kiến của mình. Để học sinh dễ hiểu, cô thường liên hệ với thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Trong các tiết học, cô tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh như hoạt động nhóm, hoạt động theo tổ, hoặc đưa ra nhiều câu hỏi để các em trả lời. Quen với cách dạy của cô, học sinh luôn trong tư thế chủ động và tích cực tham gia vào bài học. Sau mỗi bài giảng cô thường chốt lại vấn đề cần nắm, nội dung chính từng bài, qua đó giúp các em hiểu bài ngay tại lớp.
Theo P.Mai
(Báo Ấp Bắc)