(BVPL) - Hiện nay, ngày càng có nhiều trẻ em dùng phần lớn thời gian rảnh trong ngày để chơi các trò chơi trực tuyến hoặc tán gẫu, giao lưu bạn bè... Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng và có sức lan tỏa toàn cầu như hiện nay, việc bảo vệ, giáo dục trẻ em có thái độ và cách ứng xử đúng đắn trên mạng Internet để thu được những lợi ích đích thực từ tiện ích này là điều vô cùng cần thiết. Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo Tham vấn xây dựng Đề án Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

 


Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, mặc dù internet xuất hiện muộn ở Việt Nam nhưng có tỷ lệ tăng trưởng nhanh so với khu vực và trên thế giới. Internet đã trở nên rất quen thuộc đối với đông đảo thanh, thiếu niên với sự tăng vọt về số lượng thanh, thiếu niên sử dụng internet, nhất là ở các thành phố lớn.

Theo ông Đặng Hoa Nam, thế giới ngày càng phẳng mang lại càng nhiều lợi ích cho trẻ em nhưng trẻ em cũng phải chịu nhiều rủi ro và nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn từ môi trường mạng: bí mật đời tư, những thông tin cá nhân vô tình hay cố ý bị tiết lộ và những kẻ xấu lợi dụng. Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột và lừa đảo trẻ em từ môi trường mạng sang đời thực cũng gia tăng, trẻ em tham gia game lập tài khoản ảo và phải trả tiền để tham gia những trò chơi đó. Ngoài ra, những thông tin thiếu lành mạnh từ mạng tác động đến nhân cách và tinh thần trẻ em hiện nay cũng chưa có biện pháp ngăn chăn hiệu quả.

Ông Đặng Hoa Nam còn cho biết, cách đây hơn 10 năm, các cơ quan chức năng đã cảnh báo nguy cơ xâm hại trẻ em từ môi trường internet. Nay, nguy cơ này đã trở nên hiện hữu khi có tới 45 triệu người Việt Nam sử dụng intenet, trong đó học sinh, sinh viên chiếm trên 33%. Trong số này, có trên 60% thanh, thiếu niên truy cập mạng để tán gẫu và chơi game.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đã xây dựng đề cương Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mục tiêu tổng quát của đề án là mọi trẻ em được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng, được hưởng lợi ích từ việc sử dụng tiện ích của internet mà không có nguy cơ. Trẻ em là nạn nhân của các hình thức xâm hại trên môi trường mạng được phát hiện và hỗ trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quốc gia.

Tại Hội thảo, đại diện Đại sứ quán Anh cũng đã chia sẻ về cam kết phòng chống xâm hại trẻ em trong môi trường mạng tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2014. Theo đó, Anh quốc quan tâm tới 4 ưu tiên chính: Giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và đổi mới pháp luật. Tại Anh quốc, tội phạm trên internet thì 90% là nam trong đó 60% là trên 40 tuổi, đến từ nhiều tầng lớp xã hội và có thể từ nhiều quốc gia khác nhau. 1/3 các vụ án xuyên quốc gia liên quan đến xâm hại, bóc lột tình dục trẻ em.

Theo đại diện Bộ Công an, một số vụ án mà trong đó đối tượng đã lợi dụng mạng internet để thành lập những trang web đen, diễn đàn dành cho trẻ em mà trong đó nội dung khiêu dâm lên đến trên 3.000 bức ảnh, 253 phim khiêu dâm trẻ em nước ngoài trong độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi. Diễn đàn lên tới hơn 1.500 thành viên và có tổ chức tụ tập tại quán game, bể bơi, hay nhà riêng. Thành viên diễn đàn chủ yếu là học sinh cấp 1, cấp 2 thậm chí không thể tin được là có cả trẻ em mới 3 đến 5 tuổi.

Về phía các doanh nghiệp, Đại diện Công ty Viettel cũng đã chia sẻ một số thông tin về sự cần thiết của dịch vụ internet sạch để cân bằng giữa việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và bảo vệ trẻ em khỏi những nguy hại khi truy cập internet.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc của trẻ em, để tăng tính hiệu quả của đề án, cần hoàn thiện khung luật pháp, chính sách; phát triển các dịch vụ phát hiện, phòng ngừa, can thiệt và hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Đồng thời, các đơn vị thí điểm mô hình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như: truyền thông trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để bảo vệ trẻ em. Quốc hội Việt Nam trong Kỳ họp thứ 10 thông qua nhiều Luật, trong đó có 3 luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Luật tiếp cận thông tin, Luật Báo chí sửa đổi, Luật Trẻ em. Trong Luật trẻ em cập nhật những nội dung bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng như: Nhà nước bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng; xử lý khi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Sau khi Luật được Quốc hội thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp Bộ Thông tin Truyền thông ban hành các văn bản để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong môi trường mạng.

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cũng theo các đại biểu, cần có khung pháp lý và những chính sách; chương trình phù hợp trong nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và duy trì tính tích cực mạng lưới bảo vệ trẻ em ở các cấp; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng và phòng chống bóc lột xâm hại tình dục trẻ em qua mạng.
 

Mai Hòa

.