Có một “duyên nợ” đáng buồn trong nghề báo của tôi là cách đây hơn 10 năm, trước khi Vì Văn Toán - đối tượng cầm đầu nhóm tội phạm bắt cóc, hiếp dâm và sát hại nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên đi tù, chúng tôi đã từng chạm mặt “ông trùm” này ở bản Nà Ngum (quê hương của Toán) khi đi thực hiện một phóng sự truyền hình.
Đó là tác phẩm “Bản vọng phu”, sau này được Truyền hình CAND bổ sung, phát triển gửi dự thi và giành Huy chương Vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc ở Nha Trang, sau đó là giải C báo chí quốc gia năm 2008. Ít ai biết, một vài trường đoạn trong phóng sự chúng tôi đã quay cảnh ngôi nhà của Toán và hình ảnh của đối tượng này. Hơn 10 năm sau, Vì Văn Toán trở lại trong một “kỳ án miền ngược” đang khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ…
Vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên bỗng dưng “nổi tiếng” bất đắc dĩ với những tình tiết ly kỳ, kịch tính đến ngạt thở như một bộ phim hình sự. Cô gái Cao Mỹ Duyên, 22 tuổi, sinh viên Đại học Nông – Lâm (thuộc Đại học Thái Nguyên) được nghỉ về nhà ở Điện Biên phụ giúp mẹ bán gà và bị mất tích đúng vào chiều 30 Tết Kỷ Hợi. Trưa mùng 3 Tết (7/2/2019), thi thể của cô được tìm thấy ở căn nhà hoang thuộc Đội 11, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.
Khám nghiệm tử thi, Cơ quan điều tra xác định nạn nhân bị sát hại, có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Và bắt đầu từ đây, dư luận sửng sốt, bàng hoàng khi vụ án liên tục xuất hiện những tình tiết bí ẩn và kịch tính.
Cảnh sát lần lượt điều tra, bắt giữ 8 đối tượng tham gia bắt cóc, hiếp dâm sau đó sát hại cô nữ sinh xinh đẹp xấu số. Và một trong những điều bất ngờ nhất là kẻ cầm đầu vụ trọng án này lại là Vì Văn Toán, SN 1982 – một “ông trùm” cộm cán ở bản Nà Ngum, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, nhân vật đã “suýt” xuất hiện trong phóng sự dự thi của chúng tôi cách đây hơn 10 năm.…
Là một bản nằm ở phía bắc cánh đồng Mường Thanh, Nà Ngum theo tiếng Thái có nghĩa đồng đất phì nhiêu, cây lúa cứ cắm xuống là sai bông nặng hạt, nhưng từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Nà Ngum đã trở thành địa danh buồn tủi nhất nhì Điện Biên. Cơn bão ma túy càn quét làm cho Nà Ngum tan nát. 80% các hộ gia đình ở đây ít nhiều dính dáng đến ma tuý mà “lực lượng chủ công” là cánh đàn ông sức dài vai rộng.
Và rồi, nguyên nhân nào thì kết quả ấy, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm, Nà Ngum lại vắng đi một số đàn ông do bị lãnh án tử hình hoặc thúc thủ trong 4 bức tường của trại giam....
|
|
Một cuộc họp dân ở bản Nà Ngum vào năm 2007, hầu hết chỉ có phụ nữ tham gia. |
Năm ấy, chuẩn bị cho kỳ liên hoan phim truyền hình CAND tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, sau khi bàn bạc, cân nhắc rất kỹ về đề tài, chúng tôi quyết định vào Nà Ngum làm phóng sự. Nà Ngum thời điểm đó vẫn chưa một ngày yên tĩnh. Ma túy làm cho bao gia đình ở đây rơi vào thảm cảnh, nhẹ thì khánh kiệt tài sản, nặng thì chết vì lãnh án tử hình, bị sốc ma túy hoặc mắc HIV-AIDS giai đoạn cuối.
Thời điểm chúng tôi bấm máy những phân cảnh đầu tiên, bản Nà Ngum có 87 hộ, 423 nhân khẩu nhưng có đến 44 người đang phải thi hành án phạt tù tại các trại giam trên toàn quốc, trong đó có 2 án tù chung thân, 20 án từ 10 đến 17 năm tù (không kể một số trường hợp bị tử hình, 11 trường hợp đang được hưởng án treo)....
|
|
Nữ sinh xấu số Cao Mỹ Duyên |
Trung tá Mai Đình Vân, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Điện Biên dẫn chúng tôi vào nhà chị Lò Thị Đanh. Chị Đanh năm ấy ngoài 40 tuổi, kết hôn đã được 24 năm nhưng thời gian thực sự ở bên chồng chỉ được vài năm, còn lại là chuỗi ngày dằng dặc chờ đấng hôn phu… ở tù.
Chồng chị là Lò Văn Xương, hai lần lãnh án tổng cộng 18 năm tù về Tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Chồng đi trại, một mình chị Đanh ở nhà nuôi hai con và mẹ chồng mù loà. Từ chính câu chuyện buồn tủi về cuộc đời, số phận bất hạnh của chị Đanh mà chúng tôi đã đặt tên cho phóng sự là Bản “vọng phu” – một bản mà hầu hết đàn ông phải đi tù về ma túy, để lại những người vợ đơn chiếc, vò võ chờ chồng khi đang còn xuân sắc.
Việc chúng tôi gặp Vì Văn Toán và quay được cảnh anh ta cũng chỉ là vô tình. Năm đó Toán 25 tuổi, thời điểm ấy, không ai nghĩ anh ta là một “ông trùm” cộm cán về ma túy. Khác với đám đàn ông ở Nà Ngum khi tham gia buôn “hàng trắng” hầu hết là do nghiện hút ma túy thì Toán lại không.
|
|
Vì Thị Thu, vợ Vì Văn Toán |
Vì Văn Toán có vẻ như là một trong số hiếm hoi đàn ông ở đây kết hôn và chí thú làm ăn, chịu khó công việc đồng áng (Toán lấy vợ là Vì Thị Thu vào năm 1999 khi cả hai mới 17 tuổi). Chúng tôi vào nhà Toán, sau khi được ông Lò Văn Lún, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên nói về mục đích của đoàn làm phim, Toán miễn cưỡng ngồi lại tiếp chuyện nhưng sau này khi làm hậu kỳ, những cảnh quay có mặt Vì Văn Toán, chúng tôi đã không đưa vào phóng sự vì anh ta cố tình quay mặt đi với vẻ mặt khó chịu đến bí ẩn.
Lý do lúc đó anh ta tránh không muốn xuất hiện, mãi sau này chúng tôi mới biết căn nguyên: làm sao một “ông trùm” cộm cán về ma túy lại có thể công khai mặt mũi mình trên truyền hình!.
Trung tá Mai Đình Vân kể thời gian đầu chính các anh cũng không đưa vợ chồng Toán vào “vòng ngắm” vì anh ta hoạt động “đơn tuyến”, không chung chạ với đám con nghiện trong bản. Tháng 2/2008, vợ Toán là Vì Thị Thu bị Công an huyện Điện Biên bắt quả tang khi đang “ôm” heroin đi giao hàng.
Thu bị tuyên án 11 năm tù về Tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Ba tháng sau, đến lượt Vì Văn Toán cũng bị Công an huyện Điện Biên phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh bắt giữ trong một chuyên án khác. Một trinh sát Công an huyện Điện Biên cho biết, khác với vợ, Toán hoạt động cao tay hơn. “Hàng trắng” anh ta lấy trực tiếp bên Lào (bản Nà Ngum cách biên giới chưa đầy 10km), sau đó mang về chia nhỏ bán cho con nghiện. Toán bị tuyên 10 năm tù và thụ án 9 năm 6 tháng mới được ra trại (hồi giữa năm 2017).
|
|
Các đối tượng trong đường dây tội ác sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên. |
Bố mẹ đi tù vì ma túy, hai đứa con của Toán khi đó còn bé xíu, con đầu mới 8 tuổi, cậu con trai út mới 4 tuổi phải về ở với ông bà nội. Nhưng ông bà nội của chúng cũng nghèo, cả bản Nà Ngum đều rơi vào thảm cảnh như nhau là đói nghèo và phải chạy ăn từng bữa. Nhưng rồi cũng như cây rừng, hai đứa bé vẫn phải lớn lên dù còi cọc, xơ xác…
Năm 2015, bố Toán qua đời sau một cơn bạo bệnh, lúc đó anh ta vẫn đang phải thụ án và không thể về chịu tang. Năm 2017, Vì Văn Toán ra tù, một năm sau, vợ Toán cũng được ra trại. Không có nghề nghiệp gì, hai vợ chồng đi thuê lại 1ha ruộng của người dân Nà Ngum để cày cấy nhằm... che giấu hoạt động phạm pháp.
Ai cũng nghĩ sau 10 năm thụ án trong trại, đôi vợ chồng này đã có đủ thời gian để sám hối, để chí thú làm ăn, nuôi dạy hai đứa con thiệt thòi nên người, nhưng sự thật lại không như vậy. Tội ác của nhóm đối tượng gây ra đối với nữ sinh viên Cao Mỹ Duyên khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Đằng sau vẻ mặt tưởng như lương thiện của Vì Văn Toán là một “ông trùm” với cách hành xử lạnh lẽo.
Theo lời khai của Toán cùng nhóm đối tượng Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng, Lường Văn Hùng, nhóm này có quan hệ “làm ăn” (buôn bán ma túy – PV) với Trần Thị Hiền – mẹ nữ sinh xấu số Cao Mỹ Duyên. Trần Thị Hiền có nợ của Toán một số tiền, Toán đòi nhiều lần không được nên anh ta thuê nhóm đối tượng kia bắt cóc nhằm gây sức ép, để Hiền phải trả tiền.
Tuy nhiên, cũng là dân “maphia” nên Trần Thị Hiền cũng không dễ bị bắt nạt, bà ta “chơi rắn” lại và hậu quả đã xoay sang một vụ án khác. Nữ sinh Cao Mỹ Duyên bị xâm hại, sau đó bị sát hại dã man. Ngày 25/5/2019, đến lượt Trần Thị Hiền bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên khởi tố, bắt tạm giam thì kịch tính của vụ án đã được đẩy lên đến mức cực điểm….
Đời làm báo chúng tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người nhưng có những ký ức buồn, những nhân vật không hề muốn “tái ngộ” rốt cuộc lại phải “chạm trán” và Vì Văn Toán là một ví dụ điển hình.
Địa danh buồn tủi Nà Ngum giờ đã sáng hơn, ma túy hạ nhiệt, bản làng bắt đầu thay da đổi thịt nhưng vùng đất phì nhiêu này vẫn nghèo nhất trong các bản ở Thanh Yên. Sau vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại, bóng đen tội ác của ma túy lẩn quất đâu đó dường như lại có dịp quay về.
Hơn 10 năm trước, khi kết thúc phóng sự truyền hình, chúng tôi đã từng viết: “Nếu cấp uỷ chính quyền không triển khai những giải pháp quyết liệt và phù hợp, ma tuý sẽ lần lượt “gõ cửa” từng căn buồng hạnh phúc của người dân Nà Ngum, để biến những người vợ bằng xương bằng thịt thành “đá vọng phu” ngay từ lúc đang còn xuân sắc…”, thì cho đến tận hôm nay, Nà Ngum vẫn khắc khoải một lối về…