Phong trào đi "chui" và giấc mơ "đổi đời"

Ra nước ngoài lao động đem lại cuộc sống giàu sang cho nhiều người dân nghèo thế nhưng không phải ai cũng may mắn "đổi đời" nơi xứ thiên đường như nhiều người những tưởng... Biết vậy, nhưng tất cả cũng vì cuộc sống mưu sinh, để có một việc làm và thu nhập, nhiều người đã bất chấp pháp luật rồi đánh đổi cả phận đời mình bằng cách vượt biên ra nước ngoài lao động bằng nhiều con đường khác nhau.

Để hiểu hơn về con đường đến với xứ “thiên đường” ở trời Âu bằng con đường bất hợp pháp (hay gọi là đi chui - PV) tôi tìm về xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc – nơi có nhiều người đi lao động nước ngoài về. Và đây cũng là địa phương có nhiều người nghi là nạn nhân trong vụ 39 người chết cóng tại nước Anh hôm 23/10 vừa qua khiến người dân đang không khỏi hoang mang, ngóng tin từng ngày.

leftcenterrightdel
Xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc được biết đến là xã giàu lên nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ)

Chia sẻ với PV về sự "thay da, đổi thịt" của làng quê của mình cũng như chứng kiến bao cảnh đau thương bi đát về con đường người dân ra nước nước lao động. Ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết, trong khoảng 8 năm lại nay trên địa bàn xã có khoảng 7 người đi lao động ở nước ngoài bị tử vong. Trong số đó hầu hết là lao động đi bằng đường bất hợp pháp. Cao điểm nhất là vào từ năm 2002 đến năm 2007, xã Thiên Lộc có phong trào đi "chui" sang châu Âu làm ăn với số lượng nhiều nhất.

Theo lãnh đạo chính quyền địa phương, hiện nay xã Thiên Lộc có trên 8.300 nhân khẩu, nhưng đã có khoảng 1.300 lao động đang làm ăn ở nước ngoài trong đó số người tham gia bằng đường không chính thống chiếm tỷ lệ cao. 

“Xã Thiên Lộc có 704 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là đi theo con đường tiểu ngạch, trong số này có một ít người nhập cư hợp pháp, họ được ở lại trong vòng mấy tháng rồi được gia hạn tiếp, một số thì có giấy tờ như tạm trú hợp pháp. Một số người ở lâu thì họ làm được giấy tờ xin định cư”. Ông Đặng Anh Tuấn thông tin thêm. 

leftcenterrightdel
Hầu như nhà nào cũng có người đi làm ăn ở nước ngoài. 

Anh Võ Văn D. một người dân thôn Trường Lộc cho hay, trong thôn hầu như nhà nào cũng có người đi làm ăn ở nước ngoài. Có người đi xuất khẩu lao động theo đường chính thống nhưng cũng có người đi "chui". Biết rằng trốn sang Anh làm ăn là không hợp pháp nhưng con em địa phương người đi trước vẫn liên lạc với người đi sau tìm cách sang đó làm ăn, mong gặp may mắn đổi đời.

Theo anh D. hiện tại trong thôn có 2 người được nghi bị tử vong tại Anh trong xe Container vừa qua, gia đình và làng xóm đang nóng lòng chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

Hành trình “vượt biên” rợn người... 

Nói về con đường đi "chui" của người dân địa phương khi đến xứ người, anh Nguyễn Văn N. người từng đi Anh trở về làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng ở thị trấn Nghèn kể, vào những năm 2003, ở Can Lộc có nhiều người đi châu Âu làm ăn và giàu lên nhanh chóng nên anh cũng nghe theo và quyết định vay mượn một khoản tiền lớn làm “lộ phí” sang Đức lao động.

Để sang được đến nước Đức, trước tiên anh phải đi Nga bằng hộ chiếu du lịch rồi tiếp tục vượt biên qua nhiều nước nữa. Hành trình này đều có người - môi giới - dẫn đường, đưa đi nhưng luôn phải chịu cảnh sống chui lủi, trốn tránh lực lượng chức năng và thậm chí là bỏ cả tính mạng nơi xứ người.

leftcenterrightdel
 Ông Võ Nhân Quế - bố em V.V.D, xã Thiên Lộc đau xót ngóng tin con khi nghi là nạn nhân trong vụ 39 người chết trong xe contener ở Anh

Anh N. kể, để sang được Đức, các lao động phải đi bộ cắt rừng vào ban đêm từ Nga sang Ukraina rồi vượt qua Ba Lan. Căn cứ vào tình hình an ninh nơi sở tại, người lao động được đưa đi theo từng nhóm nhỏ 5 - 7 người và di chuyển hoàn toàn vào ban đêm và chịu sự giám sát rất chặt chẻ của  nhóm người quản lý.

Hành trình từ Nga đi Đức của anh mất gần 3 tháng trời.và sau nhiều năm làm việc ở Đức, đến năm 2006, khi đã có một số vốn kha khá. Thấy nhiều người quen, bạn bè đi Anh làm ăn được, anh  quyết định “nhảy” sang Anh làm việc.

Con đường hành trình sang đất nước Anh lao động được anh N. kể lại đầy chông gai và không khỏi rùng rợn. Ngoài bị đánh đập, tù tội thì người lao động sang Đức và Anh bằng con đường bất hợp pháp. "Đã đi Anh thì không chỉ bản thân tôi mà cả gia đình cũng phải xác định từ trước " hoặc là đổi đời, hoặc là bỏ mạng" bởi hiểm nguy luôn rình rập và có thể tử vong bất cứ lúc nào..."- anh N. nói.

leftcenterrightdel
 Đã đi Anh thì phải xác định từ trước " hoặc là đổi đời, hoặc là bỏ mạng" bởi hiểm nguy luôn rình rập và có thể tử vong bất cứ lúc nào...

Theo anh N. thì để từ Đức sang Anh với những người nhập cư trái phép thì có hai cách một là đi "Vip" (tức là ngồi sau cabin ô tô và tài xế biết sự tồn tại của mình trên xe) hai là đi "cỏ" (lén lút tự chui vào các container chở hàng).

“Cách thứ nhất thì tốn kém hơn, nhưng lại khá an toàn; còn cách “cỏ” không tốn kém nhưng lại rất nguy hiểm và rất dễ nhầm xe có hàng đi sang nước khác..”- anh N. cho biết.

Khi lên được xe rồi, họ chở đi những đâu anh hoàn toàn không hề hay biết, vì xe phủ bạt kín, xung quanh đều tối om. Chỉ biết nhiều ngày sau đó, xe vận chuyển ông cùng nhiều người khác đến một khu rừng tại nước Anh. Sau đó, ông cùng mọi người bị Cảnh sát Anh bắt giữ sau 60 phút đặt chân đến đất nước này. Sau khi bị giam tại Anh 7 tháng, anh bị trục xuất về lại Việt Nam vào cuối năm 2010.

leftcenterrightdel
 Đi XKLĐ “chui” như một canh bạc chứa đầy rủi ro, đau thương mất mát

“Ở bên Anh thu nhập sẽ cao hơn bên mình nhiều lần nhưng đi đôi với đó là những khó khăn, rủi ro giờ nếu được cho 100.000 USD để đi lại con đường năm xưa thì anh thà ở nhà chứ không đi lại nữa. Bởi vì nó quá khổ và anh quá sợ sẽ không có cơ hội sống sót…. anh N. chia sẻ.

Dù đã nhiều năm từ Anh trở về, nhưng mỗi lần nhắc đến xuất ngoại là anh N. đều rùng mình, ớn lạnh. Xuyên suốt cuộc nói chuyện, anh N nhiều lần nhắc lại: “Ngoài bị đánh đập, tù tội thì người lao động sang Đức và Anh bằng con đường bất hợp pháp có thể tử vong bất cứ lúc nào”.

Đặng Thùy