Ngày 18/5, trong buổi ra mắt Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ông Trần Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết: Cầu Giấy là quận trung tâm của TP Hà Nội, với dân số hơn 30 vạn dân, hơn 22.000 doanh nghiệp, hơn 9.500 hộ kinh doanh.

Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ và thông tin vào nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính là rất nhiều. Nhưng với quận Cầu Giấy việc áp dụng này phải sạch, chính xác cao, nên mới chọn ứng dụng nhân tạo theo kênh Al chatbot.

Theo ông Trần Việt Hà, trong năm 2023, số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận là 317, thuộc thẩm quyền giải quyết cấp phường là 169. Trung bình hàng năm, cấp quận tiếp nhận và giải quyết hơn 9.000 hồ sơ yêu cầu, cấp phường hơn 80.000 hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC. Nhu cầu giải quyết TTHC của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng.

leftcenterrightdel
 Quận Cầu Giấy,TP Hà Nội ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hỏi – đáp thủ tục hành chính của UBND quận và UBND các phường. 

Từ kinh nghiệm thực tiễn hàng ngày, quận Cầu Giấy nhận thấy, nhu cầu giải quyết TTHC cho công dân vướng mắc nhiều nhất lại là ở khâu hướng dẫn, chuẩn bị hồ sơ. Nhiều hồ sơ thừa, thiếu giấy tờ theo quy định; nộp sai thẩm quyền giải quyết. Khi công dân hiểu đầy đủ các thủ tục yêu cầu đã là hoàn thành 90%...

Do đó, nếu giải quyết tốt khâu này thì thời gian hoàn thành các TTHC theo đúng pháp luật được đẩy nhanh hơn, giảm tải thời gian và công sức cho cả công dân lẫn cán bộ tiếp nhận và thụ lý hồ sơ.

Ngoài ra, các kênh trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân chủ yếu qua trao đổi trực tiếp, điện thoại hoặc mạng xã hội, người dân phải chờ đợi, cán bộ phải trả lời nhiều câu hỏi mang tính lặp lại.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quận Cầu Giấy xác định ngay từ cấp cơ sở - đơn vị tiếp xúc với công dân nhiều nhất – càng phải nỗ lực hơn và đi nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số. Và đặc biệt, sự xuất hiện của công nghệ ChatGPT đã đem lại cảm hứng cho quận Cầu Giấy trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hỏi - đáp TTHC.

Bên cạnh đó, ông Trần Việt Hà còn chia sẻ, AI chatbot sẽ hỗ trợ người dân với độ tin cậy, tính sẵn sàng cao (người dân có thể hỏi - đáp 24/7), giúp người dân tiếp cận một cách dễ dàng với dịch vụ công, đồng thời tạo tiền đề cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn quận. Ứng dụng hỏi đáp thủ tục hàng chính này sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, gần với ngôn ngữ đời sống hàng ngày, do đó, phù hợp với yêu cầu cũng như khả năng sử dụng của người dân.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu trải nghiệm chương trình AI chatbot tại lễ ra mắt. 

Giờ đây, thay vì phải tìm tòi các TTHC qua nhiều văn bản khác nhau hay sử dụng các kênh truyền thống cần con người cụ thể để giải đáp, công dân hoàn toàn có thể hội thoại với AI chatbot để truy vấn thông tin cần thiết”.

Cũng theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, ứng dụng cũng có khả năng đa ngôn ngữ phục vụ người nước ngoài hỏi đáp các vấn đề TTHC, giảm tải sự hỗ trợ trực tiếp từ cán bộ công chức, giảm thiểu chi phí, giúp cho thông tin trở nên minh bạch và dễ tiếp cận hơn đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, giảm thời gian chờ đợi cho người dân; cung cấp cho người dân thông tin và hỗ trợ một cách thuận tiện, chính thống, giúp cải thiện trải nghiệm của người dân với các dịch vụ công.

Cùng với đó, giảm chi phí đào tạo và tuyển dụng nhân lực, giúp cơ quan hành chính Nhà nước tiết kiệm chi phí vận hành. Giảm tải công việc cho cán bộ công chức, giúp cán bộ công chức tập trung vào các vấn đề phức tạp hơn.

Cũng theo ông Trần Việt Hà, trong giai đoạn đầu của triển khai ứng dụng AI chatbot, quận Cầu Giấy sẽ triển khai trong phạm vi TTHC của UBND quận và UBND các phường. Trong giai đoạn tiếp theo, quận sẽ triển khai rộng các TTHC của các ngành Công an, thuế, bảo hiểm xã hội… Cùng với đó là thông tin về các lĩnh vực khác như: giáo dục, du lịch…

Trung Vương