Nhớ những mùa Xuân năm ấy… 

Đó là khi những người lính lần đầu đặt chân lên đảo và cảm nhận cái Tết đầu tiên sau giải phóng. Một khung trời mới lạ, bâng khuâng. Không thể kể hết những gian nan, vất vả cùng sự thiếu thốn. Đón Xuân trên đảo chìm, mấy anh em ở chung một nhà chòi cắm nơi bãi cạn, mảnh trăng che trên đầu, chơ vơ giữa mênh mang cồn cào sóng nước. Món ăn ngày Tết là gạo sấy, mì tôm. Đêm nằm ôm súng, đầu gối lên ba lô, hát cho nhau nghe để quên đi nỗi nhớ nhà da diết. Ngày ấy, tất cả đều rất trẻ, hồn nhiên, trong sáng, tuyệt nhiên không có ai hoang mang, dao động, rời bỏ vị trí.

leftcenterrightdel
Các chiến sĩ trẻ trang trí phòng đón Tết. 

Trung đoàn 83, những người lính đầu trần, quần cộc, chân đạp đá san hô sắc lẹm, vác đá bầm vai những ngày đầu xây dựng đảo. Tiên Nữ, Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử… đảo chìm, đảo nổi ghi dấu chân các anh cùng những cái Tết xa nhà. Bữa cơm ngày Tết đơn sơ, cơm, canh đạm bạc. Khổ nhất vẫn là thiếu nước ngọt. Mỗi khi có tàu tiếp tế, anh em phải chuyển từng xô nước lên nhà để tích trữ. Mỗi ngày tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ chỉ được 3-4 lít nước. Tắm giặt chủ yếu vẫn dùng nước biển, rồi tráng qua nước ngọt. 

Thượng tá Trương Bá Sơn, nguyên Phó đảo Đá Lát bồi hồi nhớ về cái Tết hơn hai mươi năm về trước. Năm 1989, anh nhận nhiệm vụ là Chỉ huy phó về chính trị đảo Đá Lát. Hơn hai mươi con người chia ra đóng quân ở 3 cụm đảo A, B, C. Cuối năm, quà Tết từ đất liền chuyển ra đảo khá sớm, nhưng vì không để được lâu, đành phải cho anh em gói bánh và ăn Tết sớm. Thành ra đến đúng ngày Tết, món ăn chủ yếu vẫn là cá biển. Cá ở đảo chìm có nhiều trên những bãi cạn trải dài hàng cây số. Thủy triều xuống, anh em chỉ cần đi một hồi là có đủ thực phẩm tươi ngon cho bữa ăn thường cũng như ngày Tết. Ngoài ra, phải kể đến một đặc sản đó là hải sâm và ốc biển. Ốc biển to hàng ký, chế biến được nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn. 

Ngày giáp Tết, ai cũng háo hức, nhất là cánh lính trẻ. Mấy anh em cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ và trang trí bàn thờ Tổ quốc. Chiều ba mươi, mọi người ngồi quây quần, cười nói rôm rả bên mâm cơm có đủ hải vị của biển. Ngày đó, đơn vị luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu rất cao. Trong giờ phút giao thừa, mọi người hướng về chiếc radio lắng nghe lời chúc Tết của đất liền. Khói hương bay quện vào không gian giữa thời khắc thiêng liêng, mọi người bồi hồi nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Từng đợt sóng, gió đập vào nhà chòi, tất cả như muốn bứt tung ra từng mảnh.   

Ấm áp hương vị Tết quê nhà

Cuối năm, thời tiết bất thường. Cơn bão Rai (bão số 9) đổ bộ vào biển Đông, quét qua các đảo ở Trường Sa. Sức tàn phá trên đường đi của nó như muốn cuốn phăng tất cả. Cây to gãy, đổ, bật gốc; vườn rau, chuồng trại bị phá nát. Toàn đảo phải khẩn trương thu dọn để kịp chuẩn bị đón Tết. 

leftcenterrightdel
Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. 

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, cả nước đang gồng mình chống dịch, nhưng đất liền luôn dành những gì tốt nhất cho Trường Sa, nhất là những dịp Tết đến, Xuân về.

Quà Tết vẫn là những món thân thuộc mang hương vị truyền thống như: bánh kẹo, gạo nếp, thịt lợn, lá dong, măng, miến… bên những cành đào, chậu mai, chậu quất chúm chím, rung rinh. Trường Sa luôn nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương và sự quan tâm của cả nước, trong đó có quà Tết của Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân và tỉnh Khánh Hòa. Ngoài những hàng hóa thiết yếu của bộ đội còn có những món quà Tết gửi đến các hộ dân, nhà chùa, các thầy cô giáo đang sống và làm việc trên các xã đảo. Công ty CP NFT bảo tồn Ngọc Linh và Công ty TNHH Sao Biển Đông gửi dụng cụ bóng chuyền, bóng đá, giấy mực in… trị giá 45 triệu đồng. Tỉnh Đoàn Khánh Hòa gửi 21 suất quà đến các đảo trị giá 70 triệu đồng. Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” gửi tặng hoa giấy, quất. Câu lạc bộ vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu tặng 700 triệu đồng. Và, còn nhiều hơn thế là hàng triệu tấm lòng của người dân cả nước luôn ngày đêm mong ngóng, dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với quân và dân trên huyện đảo Trường Sa.

Cánh lính trẻ ra thay quân lần đầu tiên trong đời đặt chân lên miền đất mới. Bỡ ngỡ, thích thú với một khung trời mới lạ. Nơi thừa nắng gió, đầy ắp tiếng cười, tiếng nói to khỏe, dạn dầy. Ban ngày, trời trong mây trắng mênh mang, gió thổi mạnh, sóng cuồn cuộn, gầm gào đập vào kè chắn sóng, tạo lên những cột bụi nước cao mấy thước. Đường tuần tra bước đi như trong hơi sương, mưa phùn xứ Bắc. Nước da học trò dần sạm đen, chỉ có nụ cười hồn nhiên tỏa nắng. 
Cuộc sống đang ấm dần lên, khắp huyện đảo tràn ngập không khí đón Tết vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đâu đó tiếng nói cười rộn vui của đám trẻ háo hức bên các chú bộ đội đang tất bật chuẩn bị cho hội thi gói bánh chưng, trang trí hội trường đón năm mới. 

Có hai thứ đọng lại trong mỗi người khi rời quân ngũ còn nhắc mãi: đó là mâm cỗ Tết và những trò chơi ngày Tết. Bên mâm cỗ Tết, ngoài những món ăn truyền thống bao giờ cũng có thêm những món hải sản chế biến theo cách riêng của lính. Thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho Trường Sa những đặc sản biển không phải nơi nào cũng có sẵn. Vì là nguyên liệu tươi rói, chỉ nghe tên đã thấy hấp dẫn: cá mú, cá ngừ, hải sâm, mực nang, mực ống… và cả món nước mắm cá cơm do chính bàn tay bộ đội chưng cất. 

leftcenterrightdel
Hội thi đấu cờ người. 

Ngày Tết, đơn vị tổ chức các cuộc thi gói bánh chưng, hái hoa dân chủ, thi đấu bóng chuyền, kéo co, đấu cờ người, bịt mắt bắt vịt… những thứ mà cuộc sống hiện đại đôi khi chúng ta đã ít nhiều lãng quên. Tiếng cười nói, vỗ tay cổ vũ vang một góc đảo, những tưởng không khí của lễ hội Xuân ở một làng quê nào đó. 

Sáng mồng một Tết, lễ Chào cờ thiêng liêng diễn ra trong nắng ấm xôn xao, gió Xuân đượm nồng hương biển. 

Tạm quên những lo toan, vất vả của năm cũ, hòa mình vào không khí rạo rực, vui tươi của mùa Xuân mới, mọi người dành cho nhau những cái bắt tay siết chặt, những lời chúc tốt lành. Những người lính bên nhau trong bình yên tiếng chuông chùa vang xa. Một cái Tết đầm ấm, gần gũi hơn với đất liền…

XT-NH