Nhanh chóng giải quyết nhu cầu của người dân

Ngày 20/7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng đại diện các sở, ngành đã có buổi làm việc với UBND quận Tân Bình về công tác phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn. 

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết hiện quận có khu cách ly tập trung F1, F0 không triệu chứng với hàng trăm giường. Bên cạnh đó, 365 ca F1 được cách ly tại nhà. Quận cũng đang sắp xếp, mở rộng thêm các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn quận lên khoảng 400 giường. Các điểm này là các trường học được cải tạo lắp đặt hệ thống camera, wifi để phục vụ việc cách ly được đảm bảo. Trong vòng vài ngày tới sẽ có đủ 1.000 giường.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND TP HCM tại buổi làm việc với UBND quận Tân Bình. 

Hiện trên địa bàn quận Tân Bình có tổng cộng 76 chốt kiểm soát thực hiện theo Chỉ thị 16. Việc lập chốt, kiểm soát phương tiện, người đi lại được người dân ủng hộ. “Nhiều bà con đem bàn ghế ra ủng hộ hoặc chủ động gia cố thêm cho các chốt nên rất hiệu quả. Lực lượng chức năng cũng xử lý nghiêm nhiều trường hợp không chấp hành”, ông Thành cho biết. Lãnh đạo UBND quận Tân Bình kiến nghị có thêm hỗ trợ về chuyên ngành y tế cho địa phương.

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu nối máy trực tiếp với lãnh đạo UBND phường 9, phường 2 và phường 10, quận Tân Bình, để nghe báo cáo các nội dung thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 cũng như đảm bảo đời sống người dân.

Chủ tịch UBND phường 9 cho biết hiện tại phường có hai điểm phong tỏa trên đường Âu Cơ. “Đây là địa bàn giáp ranh quận 11, nguy cơ cao. Người dân ở khu vực này chủ yếu là người Hoa, nhiều hẻm nhỏ chằng chịt. Hiện tại phong tỏa diện rộng trên các khu phố 5, 6, 7 với khoảng 2.000 nhân khẩu” lãnh đạo UBND phường 9 thông tin.

Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu địa phương nắm lại số đội viên Thanh niên xung phong trên địa bàn để bổ sung, phối hợp vào tổ COVID-19 cộng đồng để cùng chung tay chống dịch. Yêu cầu các phường phải lập đường dây nóng, giải quyết nhanh các trường hợp người dân cần liên hệ.

Trả lời câu hỏi “có gia đình nào khó khăn, thiếu ăn không?” Chủ tịch UBND phường 9 cho biết đã thành lập nhiều nhóm Zalo để quan tâm đến các nhu cầu của người dân. Qua đó, địa phương nhanh chóng tiếp nhận, xử lý phản ánh không để trường hợp nào khó khăn, thiếu ăn.

Đại diện UBND phường 2 cho biết khó khăn lớn nhất của địa bàn là lực lượng y tế tại phường quá mỏng. Trong khi đó phải đảm nhiệm nhiều công việc nên áp lực rất cao. Còn lãnh đạo UBND phường 10 thì cho biết trên địa bàn tập trung khá nhiều lực lượng shiper giao hàng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu địa phương quản lý, xử lý vấn đề này thật rốt ráo, tránh nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM, địa phương cần chú trọng giải quyết ngay các bức xúc của người dân, đặc biệt là người dân trong khu phong tỏa. “Hết sức lưu ý là những trường hợp, hoàn cảnh hộ dân có bức xúc, nếu thuộc thẩm quyền của quận thì báo ngay cho chủ tịch quận để không có bức xúc trong khu phong tỏa… Nếu hệ thống tiếp nhận thông tin ở các phường tốt, giải quyết tốt từ phường, quận thì người dân sẽ không kêu lên thành phố. Bức xúc của người dân là hoàn toàn chính đáng trong điều kiện giãn cách xã hội như thế này. Hết sức lưu ý là không để người dân nào thiếu ăn, thiếu đói, đó là trách nhiệm của chúng ta” Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.

Hạn chế các ca F0 chuyển nặng

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM lưu ý UBND quận phải xác định vai trò của các Chủ tịch UBND phường vì đây là lực lượng quan trọng, tiền trạm chống dịch. Bên cạnh đó, đội ngũ này cũng phải xác định vai trò của bản thân để chống dịch.

“Các phường có khu vực phong tỏa thì cần phát hiện sớm, xét nghiệm tầm soát và làm sạch. Đối với F1, nếu có điều kiện thì cách ly tại nhà, nếu không thì cách ly tập trung tại quận. Cần quản lý chặt để tránh lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa vì nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm” ông Phong cho biết.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM đối với những phường có nhiều F1 cách ly tại nhà thì giao cho Sở Y tế, Sở Thông tin Truyền thông phát đến hộ gia đình các cẩm nang tự chăm sóc sức khỏe. Trường hợp phát sinh vấn đề thì cũng phải có số điện thoại và phải có liên hệ cụ thể như một phó chủ tịch quận phụ trách.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng hiện tại nổi lên một số vấn đề trong đó có việc đánh giá chung vệc quản lý ở khu phong tỏa xem có sót lọt F1 khi truy vết hay không vì thực tế cho thấy là “cứ xét nghiệm là có ca dương tính”. Phó Giám đốc Sở Y tế cũng đề xuất việc rà soát, kiểm tra tại phường.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cũng đã thông tin về việc cung cấp lương thực thực phẩm trên địa bàn quận. Qua đó, hàng hóa được cung ứng liên tục và không lo thiếu. Xây dựng nhanh phương án mở ra các khu mua bán ở khu đất trống, bán hàng theo phiếu, giao dịch qua vách ngăn… đảm bảo chống dịch nhưng cũng cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu địa phương phải theo dõi, chữa trị tốt, hạn chế các ca F0 chuyển nặng. Bên cạnh đó cung ứng lương thực, thực phẩm, không để xảy ra khó khăn và giải quyết bức xúc của người dân.

Các địa phương tận dụng thời gian vàng của Chỉ thị 16, phối hợp đồng bộ, thực hiện quyết liệt các mục tiêu hiện tại là bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và không để ứ đọng việc xét nghiệm. Riêng việc tiêm vắc xin sắp tới thì UBND quận chủ động, thành phố hướng dẫn.

“Cần cân đối lại cần bao nhiêu y bác sĩ, trang bị ô xy cho các điểm cách ly như thế nào. Chú ý có lực lượng y tế tư nhân trên địa bàn, nên mời họ vào đây để chia sẻ với quận. Ngoài ra là lực lượng y tế nghỉ hưu trên địa bàn. Chúng ta ra lời kêu gọi thì người ta sẽ vào cùng. Đây là vấn đề của cả thành phố nên người dân sẽ chia sẻ” ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh./.

Nguyễn Lánh