Hội thảo đã cung cấp những thông tin cần thiết và chính xác về nhựa phân hủy sinh học trong bối cảnh nhiều sản phẩm tự gắn nhãn mác bao bì tự hủy thân thiện với môi trường đang được tiêu thụ ngày càng nhiều trên thị trường với chất lượng chưa đảm bảo; đồng thời tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi các vấn đề về cơ chế chính sách, xu hướng thị trường, tác động của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi và bối cảnh kinh tế dưới tác động của đại dịch COVID-19 đối với việc sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học và các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý các sản phẩm này trong thời gian tới.
|
|
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Dự Hội thảo có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, bà Phạm Thị Xuân – PCT Hội, ông Nguyễn Văn Toàn – PCT Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, ông Nguyễn Xuân Lai – Tổng thư ký Hội, các đơn vị trực thuộc Bộ TN-MT, các bộ Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, đại diện ngành môi trường các Viện, Trường Đại học; đại diện các Hội, Hiệp hội ngành nhựa và các đơn vị Đoàn thể tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng hơn 100 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ bao bì nhựa phân hủy sinh học.
|
|
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành đánh giá cao Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam khi đề xuất phối hợp tổ chức Hội thảo vô cùng hữu ích này. Hội thảo với mục đích trao đổi, thảo luận những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, công nghệ, nguyên liệu để sản xuất nhựa phân hủy sinh học nói riêng và các hoạt động tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nói chung.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho biết: “Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đang phải gánh chịu nhiều hệ quả từ chất thải nhựa nhất trên thế giới, đặc biệt là chất thải nhựa đại dương...”.
|
|
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành (ngồi giữa), Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc (bên phải), ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (bên trái) chủ trì Hội thảo. |
PGS.TS Lê Hùng Anh – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đã giới thiệu tới Hội thảo về khái niệm nhựa sinh học, trên thế giới phân loại nhựa thành bao nhiêu nhóm nhựa sinh học. Đồng thời kiến nghị Việt Nam nên có nhãn nhựa sinh học theo quy chuẩn của Việt Nam để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và tham gia vào sản xuất bao bì nhựa sinh học.
Một số đại biểu tham luận các biện pháp, cách làm, mô hình hay trong việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống rác thải nhựa. Đưa ra các kiến nghị quan tâm xoay quanh giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, của doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm nhựa tự hủy, các vấn đề về môi trường liên quan đến chất lượng và vòng đời sản phẩm, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước và sự quan tâm của cộng đồng…
|
|
Chủ tịch Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc phát biểu kết thúc buổi Hội thảo. |
Kết thúc buổi Hội thảo, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc đã kết luận và có những đề nghị: Điều chỉnh thông tư 07/2012/TT-BTNMT ngày 4/7/2012 sao cho phù hợp với thực tiễn; Đề nghị Bộ TN-MT xem xét giấy chứng nhận nhựa thân thiện với môi trường, xây dựng các phòng thí nghiệm trong nước để test sản phẩm giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân hiểu được tác dụng to lớn của nhựa sinh học vì một môi trường xanh, sạch đẹp...