Nhiều điểm mới
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình trước Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sau quá trình rà soát, tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, hoàn thiện bao gồm 16 chương, 186 điều; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày…
|
|
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. |
Dự thảo Luật có nhiều điểm đổi mới căn bản, bao gồm: Lần đầu tiên đưa các quy định rải rác, phân tán về bảo vệ môi trường (BVMT) trong các luật khác vào dự thảo Luật; phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân; Xây dựng nền tảng thể chế phục vụ kiến tạo các mô hình phát triển bền vững như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các-bon trong quy hoạch, thiết kế sản xuất, thương mại, tiêu dùng và tái chế xử lý chất thải, sản phẩm, bao bì hoặc sản phẩm sau sử dụng...
Thanh tra môi trường không cần báo trước
Về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT (các Điều 174 và 175): Một số điểm mới, mang tính đột phá như: Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về BVMT không cần thông báo, công bố trước để bảo đảm tính hiệu quả; quy định thời hiệu xử phạt là 5 năm để phù hợp với tính chất các vi phạm về môi trường; quy định các tổ chức, cá nhân quản lý khu công cộng được “phạt” theo nội quy, quy chế về BVMT của khu công cộng để đạt được mục đích giáo dục, răn đe.
Huy động sự tham gia quản lý, giám sát của người dân
Về tăng cường năng lực quản lý môi trường (các Điều 55, 56, 57, 87 và 172): Khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ quản lý môi trường (tỷ lệ cán bộ quản lý môi trường trong các cơ quan nhà nước của Việt Nam mới đạt khoảng 24 người/triệu dân, ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới) bằng việc bổ sung các quy định tăng cường cán bộ quản lý môi trường trong khu vực doanh nghiệp, huy động sự tham gia quản lý, giám sát của tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư; qua đó thể hiện rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp, người dân trong công tác BVMT.
Chỉ còn 1 loại giấy phép môi trường
Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường (Chương IV): Khắc phục vướng mắc, bất cập giữa pháp luật về BVMT với pháp luật về đầu tư, đầu tư công trong giai đoạn đề xuất dự án thông qua việc bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Xác lập đúng vai trò công cụ dự báo, phòng ngừa trong giai đoạn chuẩn bị dự án của đánh giá tác động môi trường; nâng cao chất lượng của đánh giá tác động môi trường với việc quy định điều kiện của tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; thay thế quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường bằng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường để gắn trách nhiệm của chủ dự án.
|
|
Quốc hội làm việc phiên sáng ngày 26/5. |
Đặc biệt, đã tích hợp 6 loại giấy phép có liên quan vào 1 giấy phép môi trường để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; gắn thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép với trình tự thực hiện dự án đầu tư để tạo sự thống nhất, đồng bộ.
Trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường trong dự thảo Luật BVMT
Điều 137: Trách nhiệm xác định thiệt hại và trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường trong dự thảo luật qui định:
1. Trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 136 Luật này như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại về môi trường;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn từ hai xã, phường, thị trấn trở lên;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên;
d) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, tài sản, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự mình hoặc có thể ủy quyền cho cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, xã hội xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.
|