Hết mình vì người dân vùng dịch

Kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021, cùng các lực lượng chức năng, nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp, ủng hộ tiền, hiện vật, giúp đỡ đồng bào vùng dịch sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

leftcenterrightdel
Hàng trăm giảng viên, sinh viên Đại học Y Hải Phòng lên đường đến Bắc Giang chống dịch. 
Tại tỉnh Bắc Giang, dịch COVID-19 như cơn cuồng phong, các F0 ngày một tăng, số lượng phải đến khu cách ly tập trung hay cách ly tại nhà lên đến hàng chục ngàn người. Chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn làm việc thâu đêm, đội ngũ tuyến đầu chống dịch gấp rút lao vào cuộc chiến "chống dịch như chống giặc". Các chốt kiểm soát dịch bệnh được lập khắp các ngõ phố, thôn, xóm; loa truyền thanh phát đến 24 giờ đêm; tin tức về dịch bệnh được cập nhật từng giờ trên báo chí, truyền hình, trên mạng xã hội Zalo, Facebook; văn bản của cơ quan chức năng chỉ đạo công tác chống dịch vừa ký còn chưa ráo mực đã được truyền đi. Danh sách các F0, F1, F2 được chia sẻ với tốc độ "siêu nóng".

Dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, người dân càng thương yêu nhau hơn, sẵn sàng chia cho nhau những gì mình có, động viên nhau vượt qua dịch bệnh.

Các hoạt động tình nguyện, cứu trợ từ thiện có mặt ở khắp nơi, lan tỏa sự ấm áp yêu thương. Chị Thạch Kim Anh, Phó Trưởng ban Thanh niên trường học và công tác thiếu nhi (Tỉnh Đoàn Bắc Giang) cho biết, sau mấy ngày phát động “Thư ngỏ kêu gọi thanh niên xung phong tình nguyện chống dịch COVID-19” của Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang, đến chiều 21/5/2021 đã có 2.060 lá đơn trực tuyến xin tình nguyện đi chống dịch.

Có những đơn gửi từ Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Lạt, Bình Thuận, Đồng Nai... Tuy nhiên, do dịch bệnh nguy hiểm nên tỉnh chủ yếu tiếp nhận tình nguyện viên trong tỉnh.

Bạn Trương Bùi Đình Hiếu (SN 1995, quê ở Bình Thuận) đã viết: “Kính thưa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, bên em là đội xe Cấp cứu tư nhân miền Nam. Đợt dịch lần thứ ba bùng phát tại miền Trung, bên em đã hoàn thành việc hỗ trợ vận chuyển các ca bệnh từ bệnh viện điều trị sang bệnh viện trực tiếp chữa trị. Đã có kinh nghiệm chống dịch. Nay em mong muốn đưa xe cấp cứu về với Bắc Giang hỗ trợ cùng bệnh viện. Rất mong Tỉnh Đoàn xem xét hỗ trợ. Rất mong được phía Tỉnh Đoàn xem xét phản hồi. Cần xe lúc nào, em đưa xe ra lúc đó”.

leftcenterrightdel
 Đoàn viên VKSND huyện Việt Yên, Bắc Giang giúp dân thu hoạch, tiêu thụ dưa lê. Ảnh Trang Nguyễn

Ông Nguyễn Xuân Tình - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Sở Y tế Bắc Giang cho biết, chiều 22/5/2021, bạn Đặng Minh Trí (quê ở Quảng Bình) lái xe cứu thương chạy suốt đêm, để sớm hôm sau có mặt ở Bắc Giang với mong muốn “giúp Bắc Giang chống dịch, bao giờ hết dịch thì về”.

Nói về quyết định của mình, Trí cho biết: “Thấy Bắc Giang dịch bùng phát nhiều nên em muốn cống hiến sức mình, không có gì ân hận cả. Em sẽ cẩn thận”. Vốn là con trai út trong gia đình có hai chị em, bố kinh doanh, mẹ nội trợ, Trí đã thuyết phục được bố mẹ. Đồng thời, công ty nơi Trí làm việc đã lo toàn bộ chi phí trên đường cho em ra Bắc Giang chống dịch.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến cuộc của người dân, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã huy động được nguồn kinh phí lớn giúp Bắc Giang chống dịch. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang và các huyện, thành phố trong tỉnh đã tiếp nhận kinh phí, vật tư y tế, nhu yếu phẩm ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Những bếp ăn nuôi dân vùng dịch đã xuất hiện ngày một nhiều ở Việt Yên, Lục Nam, Lạng Giang... Người dân, các cô giáo đã lập nhóm, cùng nhau góp kinh phí nấu cơm, làm ruốc, muối vừng… rồi chia suất mang phát cho những gia đình trong diện phong tỏa và công nhân ở khu cách ly. Nhiều người nhận suất cơm mà nghẹn ngào. Hiện nay, ở Bắc Giang đã có 10 siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân.

Còn ở TP Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện cách ly toàn xã hội, ở một góc nhỏ trên đường Ngô Quyền, quận 10, những hộp cơm miễn phí đã được quán cơm chay Bình An cùng nhóm từ thiện Cát Tường trao đến tay những người nghèo, người lao động tự do. Hàng ngày, vào khoảng 9h sáng và 14h chiều, người ta lại thấy nhiều người đứng xếp hàng, rất trật tự, giữ khoảng cách với nhau, chờ đợi được nhận những phần cơm mang về. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người biết đến quán ăn miễn phí cho người nghèo nên cùng đến chung tay góp sức, người góp bao gạo, người góp thùng mì, khi lại thùng sữa… Từ 100 suất cơm của ngày đầu tiên, con số dần dần lên đến hơn 1.000 và sẽ còn tăng thêm trong những ngày tới.

leftcenterrightdel
 Đoàn viên Chi đoàn VKSND tỉnh Sơn La giúp dân thu hoạch, tiêu thụ xoài Yên Châu. Ảnh Hà Diệp.

Chị Trần Mộng Phương Thảo, Trưởng nhóm từ thiện Cát Tường chia sẻ, mặc dù vất vả nhưng khi nhìn thấy ánh mắt hạnh phúc của những người bán vé số, người nghèo… các thành viên trong nhóm như được tiếp thêm động lực. Ngoài một phần cơm, thì mình còn kèm theo chai nước suối và bịch sữa để đảm bảo dinh dưỡng cho bà con lao động nghèo, không có nguồn thu nhập, không có bữa cơm no lòng. Hoạt động bên mình mang ý nghĩa là muốn chia sẻ, nhường cơm sẻ áo và chung tay với cộng đồng.

Cùng với đó, gần 3.000 người nghèo nhận được gạo miễn phí và khoảng 4-5 tấn gạo được phát đi mỗi ngày là những con số ấn tượng đến từ sáng kiến “ATM gạo” miễn phí hoạt động 24/24h tại địa chỉ số 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Ý tưởng độc đáo này do anh Hoàng Tuấn Anh, chủ một công ty về cảm biến vân tay sáng tạo nên. Chỉ trong vòng 8 tiếng đồng hồ, anh và các đồng nghiệp đã cho ra sản phẩm, gồm một bồn chứa gạo được đặt trên mái nhà và hệ thống ống dẫn kết nối với trụ máy đặt trên vỉa hè. Người dân chỉ cần ấn nút trên máy, gạo sẽ chảy ra, mỗi lần được khoảng 1,5kg. Ý tưởng đặc biệt này vừa giúp cho những người lao động nghèo có cái ăn trong lúc khó khăn, mà vẫn đảm bảo tuân thủ quy định về phòng chống dịch COVID-19, khi không cần tiếp xúc trực tiếp và tránh được tập trung đông người.

leftcenterrightdel
Chính quyền, đoàn thể cùng người dân xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) gặt lúa giúp các hộ gia đình đang trong diện phong tỏa. 
Đầu tháng 6/2021, những cánh đồng lúa vụ chiêm xuân đang vào thời kỳ thu hoạch, nhưng đây cũng là thời điểm khó khăn của bà con nhân dân khu 7, xã Tân Phương (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), khi phải trải qua những ngày phong tỏa với nỗi lo về dịch bệnh, mưa bão, lại thêm mùa màng không người gặt hái. Chia sẻ nỗi lo với người dân, hàng trăm hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, lực lượng vũ trang của xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy tạm gác việc nhà, hăng hái xuống đồng giúp đỡ các gia đình đang thuộc diện cách ly, phong tỏa thu hoạch mùa màng.

Chỉ trong 3 ngày, gần 4,5 héc-ta lúa đã được thu hoạch, tập kết thành từng bao và vận chuyển về từng gia đình trong khu để phơi và bảo quản.
Bà Hà Thị Thanh Hương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Thủy cho biết: Chúng tôi đã kêu gọi hội viên nông dân chung tay giúp đỡ các gia đình trong khu vực bị phong tỏa thu hoạch lúa kịp thời, đảm bảo tiến độ gieo trồng vụ tiếp theo. Mỗi người một tay, người gặt lúa, người gánh lúa và luôn tuân thủ quy định “5K” của Bộ Y tế trong quá trình lao động. Nhờ đó, bà con trong vùng phong tỏa yên tâm thực hiện việc cách ly y tế.

Không chỉ hỗ trợ bà con nhân dân khu 7, xã Tân Phương thu hoạch lúa, chính quyền địa phương cùng với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ vật chất, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân đang bị phong tỏa và lực lượng tham gia ứng trực tại các chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện.

Tinh thần dân tộc qua Quỹ Vaccine phòng, chống dịch COVID-19

Ngay sau lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức vào tối 5/6 vừa qua, cùng với lời kêu gọi ủng hộ đầy xúc động của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khắp nơi trên cả nước đều tràn ngập những hình ảnh đẹp về tấm lòng của người dân cả nước cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch COVID-19. Ngoài các doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức… đã ủng hộ cho Quỹ vắc xin hàng nghìn tỉ đồng thì nhiều công nhân tại các khu công nghiệp, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cũng ủng hộ cho Quỹ vắc xin từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, hy vọng góp phần nhỏ bé cùng cả nước sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao chứng nhận, hoa cảm ơn em Lê Đức Hiếu, 15 tuổi, học sinh Trường Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội), ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19. 

Chia sẻ về việc ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID-19, chị Bùi Đinh Phương (SN 2001, quê ở Ba Vì - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cho biết, thông qua công ty, chị và các đồng nghiệp đều đã ủng hộ 170.000 đồng/người.

“Số tiền dù không lớn nhưng đó là tấm lòng và trách nhiệm xã hội của anh, chị em công nhân chúng tôi, với hy vọng góp phần nhỏ bé của mình cùng cả nước chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Tôi hiểu, công nhân trong khu công nghiệp là một trong những đối tượng dễ bị lây nhiễm COVID-19, nên tôi hy vọng cơ quan chức năng xem xét, ưu tiên sớm cho công nhân được tiêm phòng vắc xin”, chị Phương bày tỏ.

leftcenterrightdel
 VKSND quận Bình Tân, TP HCM tặng quà, hỗ trợ người dân trong vùng cách ly. Ảnh Nguyễn Lánh.
Giống như chị Phương, chị Hoàng Thị Xuyến (SN 1989, quê ở Hưng Yên - công nhân Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam) cũng nhiệt tình ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID-19. Chị Xuyến làm công nhân đã 8 năm. Chị Xuyến chia sẻ, chưa bao giờ công việc, cuộc sống lại khó khăn như bây giờ. Tuy nhiên, xem chương trình phát động ủng hộ Quỹ vắc xin, tôi đã nhắn tin ủng hộ 30.000 đồng. Công nhân đồng lương eo hẹp, nhưng tôi hy vọng được góp phần nhỏ bé của mình vào việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19.

Từ trong gian khó, tinh thần “tương thân, tương ái” đồng sức, đồng lòng cùng nhau “chống dịch như chống giặc” của dân tộc Việt Nam được dấy lên mạnh mẽ. Sự sẻ chia trong lúc khó khăn, hoạn nạn, tình người lại được lan tỏa sâu rộng, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau trong "cuộc chiến" chống dịch COVID-19.

Hồng Nguyên