Báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong 187 hồ sơ tàu cá được phê duyệt đóng mới và hoán cải theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tại địa phương, hiện có 114 tàu đã hoàn thành đóng mới, 6 tàu khác đã thực hiện nâng cấp, hoán cải.

Trong số này, có 18 tàu cá vỏ thép, 08 tàu cá vỏ composite và 88 tàu cá vỏ gỗ. 81 tàu cá hoạt động khai thác xa bờ, 33 tàu còn lại hành nghề dịch vụ thủy sản.

Doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đến thời điểm báo cáo là 1.093,34 tỉ đồng và dư nợ cho vay hiện thời là 1.027,4 tỉ đồng. Thu nợ lũy kế xấp xỉ 30 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 05 tàu bị tổn thất toàn bộ (100%) gồm 03 tàu đóng mới và 01 tàu nâng cấp bị tai nạn cháy chìm trên biển, 01 tàu đóng mới bị nước ngoài bắt giữ tịch thu tàu.

leftcenterrightdel
Vì nhiều lý do, nhiều tàu cá phải nằm bờ, nhất là vào mùa Bắc. 

Kiểm tra, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh 112 tàu còn lại đang hoạt động, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, có 108 tàu đang hoạt động bình thường, 4 chiếc nằm bờ không hoạt động (3,6%).

Số tàu hoạt động có lãi 40 chiếc (37%); 33 chiếc huề vốn (30,5%) và đang bị thua lỗ 35 chiếc (32,5%).

Riêng số tàu dịch vụ hậu cần thủy sản, có 2/33 chiếc nằm bờ  không hoạt động có lãi 09 chiếc (29,0%), huề vốn 11 chiếc (35,5%) và đang bị thua lỗ 11 chiếc (35,5%).

Tình hình tín dụng, trong 57/112 trường hợp đến hạn trả nợ, có 43 chủ tàu trả được nợ gốc theo hợp đồng tín dụng, 14 chủ tàu đến kỳ hạn trả nợ gốc nhưng không có khả năng trả nợ, trong đó 10 chủ tàu phải cơ cấu kỳ hạn nợ, 04 chủ tàu chuyển nợ quá hạn; và, 9/14 trường hợp từ đầu năm 2018 đến nay không trả được lãi vay.

Đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, chính sách từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã giúp bổ sung năng lực sản xuất nghề cá địa phương, là dấu mốc tạo sự đa dạng chủng loại tàu cá và nghề nghiệp khai thác trên địa bàn tỉnh, dân tiếp cận, sử dụng tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới (composite), đầu tư công nghệ bảo quản tiên tiến,..

Mặt khác, chính sách phát triển tàu cá đã góp phần tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hương toàn diện, đồng bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với quản lý, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, đánh giá nói, mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền địa phương, ngân hàng và các cơ quan chuyên ngành thủy sản còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ trong quá trình xét duyệt và thẩm định cho vay.

Quá trình làm thủ tục, nhiều chủ tàu đã gặp khó khăn, lúng túng từ khâu lập phương án sản xuất, lựa chọn thiết kế kỹ thuật, trang thiết bị, tính toán giá thành, tổ chức giám sát thi công…khiến tàu cá đầu tư chưa đồng bộ, thời gian thi công kéo dài, giải ngân không theo tiến độ thi công, làm tăng chi phí giá thành đầu tư.

Ngoài ra, có một số chủ tàu không đủ năng lực tài chính, trình độ kinh nghiệm quản lý sản xuất còn hạn chế nhưng vẫn tham gia chương trình với số vốn vay lớn dẫn đến mất khả năng quản lý, cân đối tài chính làm phát sinh và tìm ẩn nợ xấu, tàu cá nằm bờ hoặc hoạt động kém hiệu quả kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tại địa phương.

Mặt khác, số lượng tàu cá lại phát triển quá nhanh làm gia tăng cường lực khai thác trên các vùng biển trong khi nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm, dẫn đến sản lượng khai thác đều bị sụt giảm.

leftcenterrightdel
Để chương trình phát triển tàu cá hiệu quả, cần điều chỉnh cách thức thực hiện cũng như điều chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách.

Trong khi đó, các tàu dịch vụ thủy sản có chi phí hoạt động cao nhưng chưa đa dạng hóa sản phẩm thu mua, chủ yếu chỉ thu mua một mặt hàng mực, hoạt động kinh doanh lại chỉ thực hiện được một chiều.

Riêng đối với các tàu dịch vụ thủy sản vỏ thép, khi lập phương án đầu tư để vay vốn đóng mới thì doanh số chủ yếu mang lại lợi nhuận của tàu là cung ứng nhiên liệu cho tàu cá xa bờ trên biển. Thế nhưng, khi tàu hoàn thành và đi vào hoạt động thì việc kinh doanh xăng dầu trên biển bị cấm nên chỉ còn hoạt động thu mua hải sản dẫn đến thua lỗ.

Từ tình hình thực tế, tỉnh Bình Thuận đã đưa ra nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện cho tàu cá hoạt động hiệu quả, bền vững.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có mục tiêu hỗ trợ phát triển thủy sản đồng bộ, bao gồm các cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng nghề cá, nuôi trồng thủy sản và phương tiện đánh bắt. Chương trình đặc biệt thiết thực đối với ngư dân trong việc đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ, nuôi trồng hải sản. Khi đóng mới hoặc cải tạo tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên, ngư dân sẽ được các ngân hàng thương mại cho vay từ 70- 95% giá trị tàu, tùy vật liệu tàu là sắt, gỗ, hay composite với lãi suất ưu đãi 7%/năm, trong đó nhà nước hỗ trợ lãi suất 4-7%/năm. Thời hạn vay 11 năm, được miễn lãi năm đầu tiên và chưa phải trả nợ gốc. Tài sản thế chấp là chính tài sản hình thành từ vốn vay.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP còn có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, 70- 90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang bị ngư lưới cụ đối với tàu đánh bắt và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có công suất từ 90CV đến dưới 400 CV và từ 400 CV trở lên; đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn lưu động với mức mối đa 70% chi phí đi biển với tàu đánh bắt hoặc giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cơ chế xử lý khi tàu gặp rủi ro; miễn thuế tài nguyên; miễn thuế thu nhập đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ chức trực tiếp khai thác hải sản; miễn thuế thuê đất, mặt nước cho mục đích nuôi trồng hải sản; miễn thuế nhập khẩu thiết bị nghề cá và hoàn thuế giá trị gia tăng khi đóng mới, cải tạo tàu,..

Văn Nguyễn