Vì sao hợp đồng thép Nhật/Hàn Quốc nhưng lại dùng thép Trung Quốc để đóng, tàu mới hoạt động đã gỉ sét, lắp máy tàu không chính hãng, do đâu?...Ông Vũ Thái Hệ, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) đã nói những công đoạn có thể dẫn đến tình trạng trên.
|
Nhiều tàu cá vỏ thép mới đi vào hoạt động đã bị gỉ sét nặng |
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 13/6, liên quan đến hàng loạt tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng khi mới hoạt động vừa qua, ông Hệ cho biết: Trung tâm Đăng kiểm tàu cá có nhiệm vụ kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các loại tàu cá trên phạm vi cả nước (trong đó có tàu đóng theo Nghị định 67).
Trung tâm sẽ thực hiện đăng kiểm khối tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế 20 mét trở lên, còn lại là các địa phương thực hiện.
Việc thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật cũng như cấp giấy chứng nhận tuân theo quy chế đăng kiểm tàu cá (Quyết định 96 ngày 28/11/2007 của Bộ NN&PTNT).
Trong quy chế đăng kiểm, với tàu cá vỏ thép đóng mới có 13 bước: Thẩm định thiết kế, kiểm tra phóng dạng, vật liệu, lắp ráp, khung xương, kiểm tra máy, thử tàu đáp ứng điều kiện về an toàn….
Trong công tác giám sát đóng mới tàu cá, cơ quan đăng kiểm chỉ thực hiện kiểm tra công đoạn chuyển bước công nghệ, không phải là đơn vị giám sát thi công (tư vấn giám sát).
Thưa ông, để xảy ra hàng loạt tàu cá vỏ thép bị hư hỏng, trong đó, có vấn đề hợp đồng là thép Nhật/Hàn Quốc, nhưng nhà máy lại dùng thép Trung Quốc để đóng tàu, trách nhiệm cơ quan đăng kiểm ở đây ra sao?
Sau khi có thông tin về hiện tượng tàu hư hỏng, gỉ sét, Trung tâm đã nhanh chóng phối hợp với cơ chuyên môn của tỉnh Bình Định, kiểm tra, xác minh sự việc, đồng thời đề nghị nhà máy sớm có phương án khắc phục sự cố.
Còn về thép đóng tàu, cơ quan đăng kiểm đã tiến hành kiểm tra vật liệu đầu vào tại nhà máy theo các chứng chỉ vật liệu do nhà máy cung cấp. Trong đó, lô thép đóng tàu phải có chứng nhận xuất xứ CO, CQ… Khi đủ các điều kiện đó, đăng kiểm mới cho phép đóng.
Ở đây, việc giám sát chính trong quá quá trình đóng là trách nhiệm của chủ tàu, hoặc đơn vị tư vấn giám sát do chủ tàu thuê, cơ quan đăng kiểm chỉ kiểm tra công đoạn.
Cũng phải nói rõ, qua kiểm tra, việc sử dụng các loại thép đóng tàu theo Nghị định 67 thời gian qua đều đủ giấy tờ chứng nhận điều kiện đóng tàu theo Quy chuẩn 21 (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia- Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép).
Còn tại sao hợp đồng là dùng thép Hàn Quốc/Nhật, mà sử dụng thép ở Trung Quốc? Ở đây, cơ quan đăng kiểm chỉ kiểm tra mác thép có đủ điều kiện để đóng tàu theo Quy chuẩn 21 hay không, còn xuất xử của của thép ở Hàn Quốc, Nhật hay Trung Quốc…thì đăng kiểm không quan tâm việc này.
Việc thép xuất xử ở đâu cũng thể hiện rõ trong CO, CQ và việc thép của nước nào, giá thép ra sao…là do thỏa thuận dân sự, được thể hiện rõ trong hợp đồng ký kết giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu.
|
Ông Vũ Thái Hệ, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá |
Ông nói thép đủ điều kiện đóng tàu, tại sao lại gỉ sét nghiêm trọng như vậy, thưa ông?
Về nguyên lý, thép bào cũng có thể bị gỉ sét qua quá trình vận hành, hoạt động. Tuy nhiên, hiện tượng gỉ nhanh của một số tàu vỏ thép như ở Bình Định là do quy trình xử lý bề mặt thép trước sơn kém; quy trình sơn kém, trong đó có yêu tố độ ẩm, môi trường khi sơn; chất lượng sơn không đảm bảo yêu cầu.
Bước thực hiện và kiểm tra quá sơn là do cơ sở đóng tàu thực hiện, và cán bộ kỹ thuật của nhà máy (bộ phận KCS) chịu trách nhiệm giám sát.
Thưa ông, các khâu của cơ quan đăng kiểm thực hiện chặt chẽ, nhưng tại sao nhiều máy tàu ở Bình Định bị phát hiện không phải là máy chính hãng?
Số liệu sơ bộ của Tổ thẩm định của tỉnh Bình Định đối với 19 tàu bị hư hỏng, có 14 tàu tàu đóng tại Cty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) và Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) 5 tàu.
Qua kiểm tra, phát hiện có 8/9 máy tàu hãng Misubishi, nhưng không phải của hãng này. Các tàu đóng tại Cty TNHH MTV Nam Triệu và do Cty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát cung cấp.
Các máy tàu nói trên, cơ quan đăng kiểm đã kiểm tra thông số kỹ thuật phù hợp với thiết kế; kiểm tra các giấy tờ kèm theo, trong đó có chứng thư giám định của đơn vị giám định chất lượng độc lập, xuất xứ CO, chất lượng (CQ), bản test của nhà sản xuất…Khi đảm bảo điều kiện, đăng kiểm viên mới đồng ý cho phép lắp đặt máy lên tàu.
Đối với các trường hợp tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu vừa rồi, quá trình kiểm tra các loại giấy tờ trên phù hợp với các ký hiệu trên mác máy, số chìm. Như vậy, với những trường hợp máy không chính hãng, có trách nhiệm của nhà cung cấp máy và đơn vị giám định chất lượng (đơn vị đã cấp chứng thư giam định).
Trung tâm Đăng kiểm có tự kiểm điểm, rà soát và nhận trách nhiệm của mình khi để nhiều tàu cá vỏ thép rơi tình trạng nói trên?
Hiện Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó có Trung tâm Đăng kiểm tàu cá. Chúng tôi đang tự rà soát các quy trình đăng kiểm, sẽ đề xuất với Bộ điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật cho tàu hoạt động, hạn chế những sự cố đáng tiếc.
Để rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan, phải chờ kết quả từ Tổ thẩm định của tỉnh Bình Định và chúng tôi sẽ thông tin rõ về vấn đề này khi có kết luận.
Xin cám ơn ông!
“Đối với các trường hợp tại Công ty TNHH MTV Nam triệu vừa rồi, quá trình kiểm tra các loại giấy tờ trên phù hợp với các ký hiệu trên mác máy, số chìm. Như vậy, với những trường hợp máy không chính hãng, có trách nhiệm của nhà cung cấp máy và đơn vị giám định chất lượng (đơn vị đã cấp chứng thư giam định)” |
Theo Phạm Anh/Báo Tiền Phong