Tại tỉnh Khánh Hòa, có đến 910 điểm xung yếu cần sơ tán khoảng 280.000 dân. Trên 8.000 lao động khác làm việc tại 41.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển cũng cần được sơ tán.

Tại thành phố Nha Trang, nơi từng xảy ra nhiều sự cố lở núi kinh hoàng, công tác sơ tán dân đã được thực hiện từ ngày 22/11. Riêng xã Phước Đồng, có 12 vùng nguy hiểm với khoảng 1.600 hộ/6.400 nhân khẩu cần phải sơ tán, trong đó khu vực xóm Chùa Lâm Tỳ Ni, thôn Thành Phát khoảng 320 hộ/1.200 nhân khẩu; xóm Mũi, thôn Thành Đạt 70 hộ/300 khẩu; khu vực dọc Núi Xanh (Phước Tân, Phước Lộc, Phước Hạ) khoảng 500 hộ/2.000 khẩu,…

Rút kinh nghiệm từ trận bão trước, tỉnh Khánh Hòa chủ trương thực hiện quyết liệt công tác di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng xung yếu trước khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt là các vị trí dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển; kiên quyết cưỡng chế các hộ dân không chịu di dời, sơ tán.

leftcenterrightdel
Người dân sinh sống tại các khu vực sạt lở thuộc thành phố Nha Trang đang chủ động sơ tán đến nơi an toàn.

Hoạt động kiểm tra, giám sát sau khi di dời cũng được chú ý, mục tiêu không để người dân quay lại nơi nguy hiểm.

Tỉnh Khánh Hòa cũng lập chốt chặn tại 51 đập tràn xung yếu, không cho người dân đi qua những vị trí này để đảm bảo an toàn; đồng thời yêu cầu các đơn vị quản lý lên phương án điều tiết nước chi tiết đối với 30 hồ chứa thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du… Co bản bố trí sắp xếp neo đậu tránh trú bão cho hơn 9.400 tàu thuyền.

leftcenterrightdel
Người dân chủ động chằng chống nhà cửa, gia cố mái bằng bao cát.

 Tại tỉnh Bình Thuận, theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ di dời dân tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9 tại 37 điểm/11.165 hộ/46.689 khẩu, trong đó huyện Tuy Phong 3.131 hộ/13.246 khẩu, huyện Bắc Bình 2.248 hộ/9.705 khẩu, TP. Phan Thiết 3.116 hộ/12.205 khẩu, thị xã La Gi là 1.808 hộ/7.886 khẩu, huyện Phú Quý  259 hộ/1.153 khẩu (03 xã),..

Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận cũng có kế hoạch di dời, sơ tán 12.464 hộ/50.546 khẩu, thuộc 82 điểm có nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt trên toàn địa bàn, gồm huyện Tuy Phong 964 hộ/3.897 khẩu, huyện Bắc Bình 3.355 hộ/13.560 khẩu, huyện Hàm Thuận Bắc 1.757hộ/7.331 khẩu, thành phố Phan Thiết 2.112 hộ/8.010 khẩu, huyện Hàm Thuận Nam 420 hộ/1.653 khẩu, huyện Hàm Tân 736 hộ/2.961 khẩu, thị xã La Gi 1.245 hộ/5.189 khẩu, huyện Tánh Linh 700 hộ/2.954 khẩu, huyện Đức Linh 1.175 hộ/4.991 khẩu.

leftcenterrightdel
Tàu thuyền khai thác thủy sản đã được bố trí neo đậu, tránh trú bão. Các địa phương cũng cấm hoạt động đánh bắt trên biển từ chiều 23/11. 
leftcenterrightdel
Các công ty dịch vụ du lịch chủ động đưa phương tiện vận chuyển khách du lịch vào nơi neo đậu quy định.
leftcenterrightdel
 Ngư dân chằng chống, neo giữ tàu trong bến.

Tại tỉnh Ninh Thuận, số hộ cần di dời đang tiếp tục được rà soát, tuy nhiên, ước tính số dân cần sơ tán cũng lên đến vài chục ngàn khẩu, trong đó riêng thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 1.500 hộ/6.000 khẩu.

Tỉnh Ninh Thuận ưu tiên sơ tán số hộ sinh sống ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở do bão lũ, triều cường, mục tiêu hoàn thành việc sơ tán dân trước 17 h ngày 23/11.

Các khu vực trọng điểm khi bão đổ bộ cùng các mục tiêu cứu nạn, cứu hộ; các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt; kế hoạch sơ tán khẩn cấp; bố trí phương tiện, lực lượng, vật tư tham gia cứu hộ, cứu nạn, hộ đê, ứng trực tại các điểm và công trình thủy lợi xung yếu đã được tỉnh Ninh Thuận lập kế hoạch chi tiết, chủ động ứng phó với bão số 9.

Nguyễn Huân