Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh có 1.424 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 8 cả nước (sau các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh) và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ (gấp 1,4 lần so với Nghệ An; gấp 3,2 lần so với Hà Tĩnh; gấp 4,6 lần so với Quảng Bình; gấp 5,2 lần so với Quảng Trị và gấp 3,5 lần so với Thừa Thiên Huế), đạt 47,7% kế hoạch, giảm 29% so với cùng kỳ; vốn điều lệ đăng ký đạt 9.443,9 tỉ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 6,63 tỉ đồng/doanh nghiệp; trong đó: có 1.193 công ty trách nhiệm hữu hạn, chiếm 83,8%; 228 công ty cổ phần, chiếm 16%; 3 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 0,2%.

leftcenterrightdel
Trong 6 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.424 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. 

Đáng chú ý, một số địa phương trên địa bàn có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt, vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ, như: Ngọc Lặc, Bá Thước, Như Xuân, Quan Sơn...

Về số lượng doanh nghiệp thành lập mới theo vùng: Trong 6 tháng đầu năm cả 3 vùng trên địa bàn tỉnh đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ. Cụ thể: Khu vực đồng bằng và thành phố Thanh Hóa có 895 doanh nghiệp, đạt 41,6% kế hoạch, giảm 34,8% so với cùng kỳ; Khu vực ven biển có 363 doanh nghiệp, đạt 61% kế hoạch, giảm 20,2% so với cùng kỳ; Khu vực miền núi có 166 doanh nghiệp, đạt 65,1% kế hoạch, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Về doanh nghiệp đăng ký theo lĩnh vực, ngành nghề: Có 7/17 lĩnh vực ngành, nghề đăng ký tăng so với cùng kỳ, trong đó lĩnh vực tăng cao, như: Giáo dục và đào tạo tăng 84,6%; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 42,9%; Hoạt động dịch vụ khác tăng 40%.

Có 10/17 lĩnh vực ngành, nghề đăng ký giảm so với cùng kỳ, gồm: Kinh doanh bất động sản giảm 78,1%; Thông tin truyền thông giảm 36,8%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 35,3%; Công nghệ chế biến, chế tạo giảm 31,7%; Vận tải kho bãi giảm 26,1%.

Về doanh nghiệp đăng ký theo quy mô vốn: Doanh nghiệp thành lập mới quy mô từ trên 0 đến 10 tỉ đồng với 1.783 doanh nghiệp, chiếm 91,9% (cùng kỳ là 88,8%); quy mô từ trên 10 - 20 tỉ đồng với 56 doanh nghiệp, chiếm 4% (cùng kỳ là 4,5%); quy mô từ trên 20 - 50 tỉ đồng với 33 doanh nghiệp, chiếm 2,3% (cùng kỳ là 3,1%); quy mô từ trên 50 - 100 tỉ đồng với 14 doanh nghiệp, chiếm 0,9% (cùng kỳ là 2%); quy mô từ trên 100 tỉ đồng với 12 doanh nghiệp, chiếm 0,9% (cùng kỳ là 1,6%).

Về doanh nghiệp đăng ký theo quy mô lao động: Các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự kiến đăng ký tạo việc làm cho gần 20.033 lao động, giảm 45% so với cùng kỳ; trong đó doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có quy mô lao động đăng ký từ 10 lao động trở xuống có 1.349 doanh nghiệp, chiếm 94,8% (giảm 27,8% so với cùng kỳ); doanh nghiệp đăng ký từ 10 - 50 lao động có 67 doanh nghiệp, chiếm 4,7% (giảm 43,7% so với cùng kỳ); doanh nghiệp đăng ký trên 50 lao động có 7 doanh nghiệp, chiếm 0,5% (giảm 63,2% so với cùng kỳ).

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù nền kinh tế có nhiều biến động, song, kết quả thu nộp ngân sách của khu vực doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, nộp ngân sách nhà nước khu vực doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.085,2 tỉ đồng, chiếm 51,6% tổng thu nội địa, đạt 69,3% dự toán giao, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 781,7 tỉ đồng, đạt 46,5% dự toán giao, giảm 11% so với cùng kỳ; Thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương ước đạt 59 tỉ đồng, đạt 44,4% dự toán giao, giảm 8,6% so với cùng kỳ; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3.608 tỉ đồng, đạt 82,9% dự toán giao, tăng 7,6% so với cùng kỳ; Thu từ doanh nghiệp khu vực dân doanh ước đạt 1.636,5 tỉ đồng, đạt 62,5% dự toán giao; tăng 11,6% so với cùng kỳ./.

Bình Minh