Quan Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, cũng là huyện có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trên địa bàn huyện có 12 xã, thị trấn, dân số trên 41.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96%.
Hiện nay, Đảng bộ huyện Quan Sơn có 31 tổ chức cơ sở Đảng, 186 chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy các xã, thị trấn, chi bộ cơ sở thuộc Đảng bộ khối các cơ quan, trường học, trong đó có 83 chi bộ bản, 11 chi bộ khu phố với 4.143 đảng viên.
|
|
Cán bộ huyện Quan Sơn tổ chức hội nghị tuyên truyền công tác phát triển Đảng viên. |
Do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao do vậy Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn xác định phải tập trung nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở các xã vùng cao biên giới, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương.
Để thực hiện được nhiệm vụ đề ra, Huyện ủy Quan Sơn đã chỉ đạo xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của cấp ủy cơ sở. Đồng thời chỉ đạo xây dựng các Chi bộ điểm ở các xã biên giới, đặc biệt khó khăn, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động sức mạnh và sự đồng thuận trong nhân dân.
Với phương châm hướng về cơ sở "sát dân, sát địa bàn". Đảng bộ huyện Quan Sơn đã triển khai xây dựng quy chế phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Huyện ủy, cán bộ, công chức cấp huyện về phụ trách và trực tiếp tham gia sinh hoạt tại các chi bộ bản, khu phố, để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của các đảng viên chi bộ cở sở về ý kiến đóng góp của người dân trên địa bàn.
|
|
Lễ kết nạp Đảng viên tại trường THPT Quan Sơn. |
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức của huyện Quan Sơn đã tạo nên hình ảnh mới về tác phong làm việc, trở thành sợi dây kết nối bền chặt khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện. Các đồng chí đảng viên phụ trách xã hàng tháng đều vượt hàng chục cây số đường rừng núi, từ thị trấn đến các bản vùng sâu, vùng xa để tham gia sinh hoạt thường kỳ với các đảng viên nơi đây. Những ý kiến của đảng viên, của quần chúng nhân dân được lắng nghe và đưa ra thảo luận trong sinh hoạt Chi bộ để thống nhất, tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Cùng với việc phân công các đảng viên phụ trách địa bàn xã, từng đảng viên ở các thôn, bản của huyện Quan Sơn cũng luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế để nhân dân làm theo.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, trong thời gian qua, Huyện ủy Quan Sơn đã điều động, luân chuyển 35 lượt cán bộ, trong đó từ huyện về xã 7 đồng chí, từ xã lên huyện 8 đồng chí, 11 đồng chí được luân chuyển từ xã này sang xã khác. Việc xây dựng Quy chế làm việc được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức điều hành các hoạt động phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh.
|
|
Cán bộ huyện Quan Sơn sinh hoạt cùng bà con nhân dân trên địa bàn. |
Việc nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng ở khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn đã tháo bỏ được "nút thắt" trong khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Các chi bộ đã duy trì tốt nề nếp sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quy trình, nội dung sinh hoạt được đảm bảo, thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Chú trọng công tác phát triển Đảng tại các cơ sở, định hướng quần chúng, phát triển công tác đoàn, hội đến việc phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng.
Từ việc nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, Quan Sơn đã trở thành huyện miền núi đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa hoàn thành việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản.
Những việc làm ấy đã được nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao về công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng về tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức của huyện đã có nhiều đổi mới, trách nhiệm, gần dân, trọng dân, luôn lắng nghe, đối thoại trực tiếp với nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, phát sinh ở địa phương.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, thời gian qua huyện Quan Sơn đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. Tam Lư là xã đầu tiên của huyện Quan Sơn, cũng là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá được công nhận xã nông thôn mới. Cho đến nay xã đã có 1 bản được công nhận bản nông thôn mới kiểu mẫu và đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
|
|
Mô hình trồng rau sạch của hộ gia đình anh Ngân Văn Học bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy. |
Để có được kết quả đó, những đảng viên như anh Hà Văn Nhượng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Hậu, xã Tam Lư chính là hạt nhân đi đầu, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế gia đình, tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển trồng trọt, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập.
Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện Quan Sơn đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả, đồng bộ các chương trình, nguồn lực đầu tư của trung ương, của tỉnh để xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương phân công cán bộ đến từng thôn, bản hướng dẫn người dân ứng dụng các mô hình mới vào sản xuất. Điển hình là mô hình giống lúa Nhật đã được sản xuất thành công ở 12/12 xã, thị trấn với tổng diện tích trên 100 ha, trong đó tập trung tại một số xã như Mường Mìn, Sơn Thủy, Sơn Điện… tạo động lực để Quan Sơn phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, an toàn.
Ngoài ra, nhiều mô hình kinh tế khác cũng được huyện Quan Sơn tập trung phát triển như: Mô hình nuôi cá tầm ở xã Sơn Điện; vịt cỏ ở xã Sơn Hà, Tam Lư; trồng rau sạch xã Sơn Thủy; nuôi gà ri dưới tán rừng theo tiêu chuẩn Vietgap; nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Xuân; nuôi bò, lợn cỏ bản địa.
|
|
Mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn Vietgap. |
Đồng chí Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy huyện Quan Sơn chia sẻ: Việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương rất quan trọng, để xây dựng được tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh trước hết cần xây dựng được sự đoàn kết trong Đảng. Mỗi người Đảng viên phải thấm nhuần được tư tưởng chính trị, luôn gương mẫu trong công việc, luôn chấp hành tốt trên mọi lĩnh vực được giao, luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến xác đáng của nhân dân để giải quyết công việc thấu tình đạt lý, đây là công việc mà tôi cho rằng rất cần thiết để mang lại hiệu quả thiết thực.
Việc xây dựng thành công mô hình Bí thư kiêm Trưởng bản, khu phố cùng với cấp ủy viên cấp trên và cán bộ cấp huyện dự sinh hoạt với chi bộ bản, khu phố chính là điều kiện, cầu nối để truyền tải những chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của huyện, địa phương đến với nhân dân. Đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, đến được với dân, gắn bó máu thịt với dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
|
|
Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Lương Thị Hạnh chia sẻ về việc phát huy vai trò của tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn huyện Quan Sơn. |
Mặc dù huyện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sáng tạo trong tư duy, quyết liệt trong hành động cùng các giải pháp đồng bộ, cách làm thiết thực, hiệu quả, huyện Quan Sơn đang quyết tâm đổi thay từng ngày. Và những tổ chức cơ sở Đảng, những cán bộ cấp ủy, những đảng viên sẽ tiếp tục lan tỏa quyết tâm ấy về với Chi bộ, đến từng người dân. Từ đó, sức mạnh to lớn trong nhân dân sẽ được khơi dậy, tạo thành nguồn lực nội sinh để huyện Quan Sơn thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình và mục tiêu đề ra để phát triển kinh tế có hiệu quả nhất./.