leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.  Ảnh: TTXVN                                                                                           

“… Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo cả dân tộc, được toàn dân thừa nhận là đội tiên phong lãnh đạo của mình và do đó Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp bản chất giai cấp của Đảng, mà là thể hiện sự nhận thức bản chất giai cấp của Đảng một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, vì giai cấp công nhân là giai cấp có lợi ích thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động và toàn dân tộc. 

Đảng ta kiên trì lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ. Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị…”

(Trích bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026). 

Chủ tịch nước  Nguyễn Xuân Phúc: Một gia đình lớn thiêng liêng chính là đất nước  Việt Nam ngàn năm văn hiến

“…Tổ quốc ta đang tiến lên phía trước, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, điều đó cần phải được bắt đầu từ sự đóng góp hiệu quả từ mỗi gia đình. Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, đặc biệt là việc phát triển gia đình, đề cao gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn phát huy bản sắc truyền thống, các giá trị văn hóa chuẩn mực tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới của đất nước; quan tâm các gia đình chính sách, gia đình người có công, quan tâm đến người cao tuổi; thực hiện tốt an sinh xã hội, nhất là gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực gia đình vượt qua khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, chủ động, trách nhiệm, hiệu quả hơn nữa trong phòng chống bạo lực gia đình, bất bình đẳng, bảo vệ đối tượng yếu thế... góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, "Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh".

Mỗi người Việt Nam đều có gia đình nhỏ của riêng mình, song cũng có chung một gia đình lớn thiêng liêng chính là đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến. Tôi mong mỗi gia đình Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài không ngừng phấn đấu vươn lên, mỗi người dân Việt Nam hãy thể hiện cao nhất trách nhiệm công dân, trách nhiệm, tình cảm với người thân trong gia đình tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm nhân lên những niềm vui, hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, niềm tự hào, khát vọng cống hiến, trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước Việt Nam thân yêu - Vì một Việt Nam vươn xa toàn cầu, hùng cường và thịnh vượng. Chúc các gia đình luôn mạnh khỏe, thành công và nhiều niềm vui, hạnh phúc nhân Ngày Gia đình Việt Nam.”

(Thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đến toàn thể các gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc, gia đình Việt Nam ở nước ngoài, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2001 - 28/6/2021).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Thấm nhuần phương châm đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc lên trên hết, trước hết

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN 

“…Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý báu, bài học hay của Chính phủ qua các thời kỳ; xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc lên trên hết, trước hết; “dân là gốc” và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra; trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau: …Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của Nhân dân để chống dịch thành công; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Có biện pháp cụ thể để cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới; đồng thời tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo ở các cấp; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Có kế hoạch, biện pháp cụ thể để kiên quyết, kiên trì thúc đẩy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch, xa dân; xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng”...

(Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ, nhiệm kỳ 2021 - 2026).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Quốc hội cần phải có các quyết sách kịp thời, đáp ứng  yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN 

“…Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Trước tình hình đó, Quốc hội cần phải có các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước đất nước, đồng bào và cử tri, trên cơ sở các tờ trình, báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, với gần 1.100 lượt đại biểu phát biểu qua 3 phiên thảo luận Tổ và 3 phiên họp toàn thể trực tuyến, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp rất nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nỗ lực tối đa, không quản ngày đêm trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua 1 Luật và 4 Nghị quyết với sự thống nhất rất cao, góp phần vào thành công thực chất của Kỳ họp…

Với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Tinh thần và kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của Nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc…”

(Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 11/1/2022).

 
BVPL