Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; lồng ghép các mục tiêu bình đẳng giới trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại cộng đồng, trường học và các tổ chức. Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị và Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới, cam kết xây dựng một xã hội không bạo lực, xóa bỏ mọi rào cản về giới, đảm bảo an sinh xã hội và tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Lễ phát động. (Ảnh: Trọng Tài) 

Được biết, đây là năm thứ 9 tỉnh Thái Nguyên triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Theo kế hoạch, Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2024 diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy các hành động cụ thể về bình đẳng giới.
Trong nhiều năm qua, Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác bình đẳng giới. Hiện nay tỉnh có 42,9% nữ lãnh đạo cấp tỉnh, 66,7% nữ lãnh đạo cấp huyện và 29,6% nữ làm chủ doanh nghiệp. Lực lượng lao động nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động của tỉnh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, hàng trăm mô hình gia đình phát triển kinh tế, gia đình không có bạo lực đã được duy trì và nhân rộng.
leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Lễ phát động. (Ảnh: Trọng Tài)
Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập, duy trì được 206 Tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 155 lớp tập huấn cho gần 11.000 lượt người tham gia...
Đồng thời, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức 230 cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng các nội dung về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, thu hút gần 26.700 lượt hội viên, phụ nữ và người dân tham gia. Tổ chức 9 Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng với 1.350 người tham dự.
leftcenterrightdel
 Tiết mục văn nghệ chào mừng tại Lễ phát động. (Ảnh: Trọng Tài)
Các hoạt động giáo dục và truyền thông đã khuyến khích trẻ em mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, có kỹ năng để tự bảo vệ bản thân khỏi các cạm bẫy trên môi trường mạng, giúp nâng cao chất lượng giáo dục trong cộng đồng. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ về sức khỏe, tâm lý và giáo dục. Các chương trình bảo vệ trẻ em đã giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường an toàn.
Đặc biệt, sự góp mặt của nam giới trong các Tổ truyền thông cộng đồng tại Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, thúc đẩy thay đổi nhận thức và hành động vì bình đẳng giới.
PGS.TS. Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: Đại học Thái Nguyên, nơi đào tạo hơn 80.000 sinh viên, trong đó nữ chiếm 55%, cũng tiên phong trong tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực học đường. Năm 2024, không có vụ việc bạo lực học đường nào được ghi nhận tại đây, nhờ các hoạt động giáo dục, tuyên truyền thường xuyên...
leftcenterrightdel
 PGS.TS. Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Lễ phát động. (Ảnh: Trọng Tài)
“Chúng tôi tin rằng, khi mỗi cá nhân trong cộng đồng Đại học Thái Nguyên ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chúng ta sữ tạo ra một môi trường học đường lành mạnh và bình đẳng”- Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, nói.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND TP Sông Công cho biết: Tại TP Sông Công, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới ngày càng được nâng lên.
leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND TP Sông Công phát biểu tại Lễ phát động. (Ảnh: Trọng Tài)
Các cấp hội phụ nữ đã triển khai có hiệu quả Đề án 938 về “tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017- 2027”…phụ nữ và trẻ em cơ bản đã được bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động việc làm, y tế, giáo dục đào tạo và văn hóa, thông tin…
Trao đổi với phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2024 là dịp để truyền tải thông điệp mạnh mẽ về bình đẳng giới, đặc biệt là học sinh, sinh viên thay đổi hành vi, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thái Nguyên: Để đạt được những mục tiêu bền vững hơn trong tương lai, cần tiếp tục tăng cường nguồn lực, cải thiện nhận thức cộng đồng và tạo ra những hoạt động hiệu quả hơn trong công nhân, viên chức, lao động và các tầng lớp nhân dân, từ đó giảm thiểu bất bình đẳng giới và nâng cao vị thế của họ trong xã hội.
Trọng Tài