* Khánh Hòa: Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ngập cục bộ, nhiều nhà dân tốc mái
Sáng ngày 10/11, bão số 12 đã độ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Tại Nha Trang gió mạnh kèm mưa bắt đầu từ hơn 8h, duy trì đến khoảng hơn 11h. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & TKCN tỉnh Khánh Hòa, lượng mưa đến 12h ngày 10/11 phổ biến dưới 80mm, riêng huyện Vạn Ninh 150- 200mm. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh hầu hết đạt dung tích thiết kế, trong đó nhiều hồ nước qua tràn.
Hồ Hoa Sơn xả lũ lớn nhất lúc 11h ngày 10/11 với lưu lượng 283m3/s.
Gió lớn gây mất điện toàn bộ huyện Khánh Vĩnh và cục bộ một số xã, phường thuộc TP Nha Trang, huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa.
QL27C nối Nha Trang- Đà Lạt sạt tại Km 50+680. Tuyến đường sắt Bắc-Nam bị ngập đoạn 450m, từ Km 1233+200 đến Km 1233+650 khiến tàu SE2, hành trình Nam-Bắc phải dừng tại Km 1233+650. Gần 200 hành khách và nhân viên nhà tầu an toàn, lương thực dự trữ trên tàu bảo đảm cho hoạt động của tàu trong 2 ngày.
|
|
Một tàu cá bị sóng đánh nghiêng, xâm nhập nước tại cửa sông Quán Trường, Nha Trang. |
Báo cáo ban đầu của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Khánh Hòa, cho biết, đến 12 h ngày 10/11, Khánh Hòa có gần 20 nhà tốc mái, chủ yếu tại thị xã Ninh Hòa, 2 trụ sở cơ quan hư hỏng, 3 nhà màng công nghệ cao, diện tích 170m2 tại Trại thực nghiệm Suối Dầu bị sập, 1 tàu tại phường Vĩnh Trường, Nha Trang chìm.
Quan sát của phóng viên BVPL, cây cối ngã đổ trên một số đường phố Nha Trang, một số nhà bị tốc mái.
Tàu thuyền neo đâu trú bão tai hai cửa sông Quán Trường và sông Cái Nha Trang cơ bản an toàn, một tàu lớn phía đông cầu Bình Tân, bị sóng đánh nghiêng, nước xâm nhập.
Trong khi đó, Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh Bình Định cho biết, tình hình thiệt hại đang được thống kê. Thông tin ban đầu có một số nhà bị tốc mái.
Lại xảy ra sạt lở đất vùi lấp nhà dân ở Quảng Nam
Chính quyền địa phương huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam xác nhận, trên địa bàn xã Tam Lãnh xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp một ngôi nhà dân khiến một người tử vong.
Theo đó, khoảng 9h30 sáng 10/11, ngọn đồi sau nhà sạt lở khiến ngôi nhà bà Nguyễn Thị Nga (43 tuổi) đổ sập. Lực lượng chức năng vừa tìm được thi thể bà Nga.
|
|
Hiện trường vụ sạt lở. Ảnh LB |
Cũng theo lãnh đạo huyện Phú Ninh, vụ sạt lở nói trên cũng khiến tuyến đường nối 2 xã Tam Lãnh và Tam Dân bị chia cắt. Hiện 2 máy xúc được điều đến để thông tuyến đường. Lực lượng chức năng đã đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, từ sáng ngày 10/11, tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng có mưa to đến rất to. Tỉnh Quảng Nam cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông suối, vùng núi các huyện Núi Thành, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước.
|
Một số hình ảnh về thiệt hại do cơn bão số 12 tại Nha Trang (Khánh Hòa):
|
|
Mái tôn bị gió quật đổ ở TP Nha Trang. |
|
|
Một cây to bị gió quật đổ. |
* Đắk Lắk: Mưa lớn chia cắt nhiều tuyến đường
Trưa 10/11, ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, từ 0 giờ ngày 10/11 đến nay, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài khiến lượng nước từ các con sông suối dâng nhanh.
Thực trạng trên khiến một số vùng tại huyện Krông Bông bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. Một số trường học nước đã vào phòng, con đường từ trường về nhà có nguy cơ bị ngập nên UBND huyện đã chỉ đạo cho một số trường nghỉ học.
|
|
Mưa lớn chia cắt nhiều tuyến đường. |
Bên cạnh đó, chính quyền đã thông báo trên loa phát thanh cảnh báo cho người dân các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là khu vực thôn 12, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) – nơi đã xảy ra tình trạng sạt lở vào năm ngoái, nay tiếp tục có nguy cơ sạt lở núi.
Ngoài ra, lượng nước nước dâng cao cũng khiến cho hàng trăm mét tuyến đường vào thôn Ea Hăn (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) bị ngập. Do đó, chính quyền địa phương đã tổ chức chốt chặn, túc trực để ứng cứu.
Tại huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk), mưa lớn đã khiến nhiều đoạn đường bị ngập sâu, nhiều vùng bị chia cắt cục bộ. Lực lượng chức năng đã tổ chức chốt chặn các vị trí này và cấm người dân qua lại và hỗ trợ khi cần thiết.
|
|
Mưa lớn chia cắt nhiều khu dân cư. |
|
|
Một đoạn đường bị ngập sâu trong nước. |
Theo báo cáo nhanh của Phòng NN và PTNT huyện M’Đrắk, từ ngày 9-10/11 do mưa kéo dài và nước lũ tràn về gây ngập lụt nhà cửa của 400 hộ dân buôn Yang Lah 1, 2, Buôn Drễn A, B, xã Đắk Liêng. Tổng diện tích cây trồng bị ngập lụt cục bộ khoảng 360ha cây trồng các loại.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Quyền Chủ tịch UBND M’Đrắk cho biết, hiện nay huyện đang dồn lực lượng vào xã Cư San - nơi lòng hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng để ứng cứu. Hiện lực lượng quân đội, Công an mang theo ca - nô cùng các lực lượng khác đang tập trung tại xã Cư San để ứng cứu người dân.
Theo kế hoạch, huyện M’Đrắk sẽ di dời khoảng 100 hộ dân trong lòng hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng lên khu vực cao hơn.
|
|
Nước từ các con sông ở Đắk Lắk lên rất nhanh. |
Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đắk Lắk thông tin, tại khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng, đề nghị các đơn vị nêu cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, cập nhật phương án di dời dân về nơi an toàn.
Trước đó, vào năm 2009, Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pắk Thượng với tổng mức đầu tư gần 2.900 tỉ đồng. Sau gần 10 năm ì ạch, tháng 12/2018, dự án này đã đội vốn thêm 1.500 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 4.400 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, công tác bồi thường, GPMB để thực hiện dự án vẫn gặp không ít khó khăn bất cập, chậm trễ, kéo dài, hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân đang sinh sống trong lòng hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng.
* Thừa Thiên - Huế: Cảnh báo những nơi có nguy cơ sạt lở đất
Theo đó, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đồi núi và sạt lở bờ sông, bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế gồm: Huyện Phong Điền, trượt lở đất đá ở các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu. Chú ý các điểm sạt lở đồi núi dọc tuyến đường 71 từ Phong Xuân đi đến các công trình hồ thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 3, A Lin B2, A Lin B1; sụt lún ở xã Phong Xuân. Đề phòng sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua các xã Phong Sơn, Phong An, Phong Hiền. Sạt lở sông Ô Lâu dọc theo quốc lộ 49B đoạn qua các xã: Phong Mỹ, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình. Xói lở bờ biển các xã Phong Hải, Điền Hòa,…
Thị xã Hương Trà: Trượt lở đất đá khu vực sườn đồi núi, nhất là dọc tuyến quốc lộ 49A đoạn qua các xã Hương Thọ, Bình Thành, xã Bình Điền, Bình Tiến (Hương Bình, Hồng Tiến). Sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua các xã, phường, thị trấn: Hương Vân, Hương Văn, Tứ Hạ, Hương Toàn, Hương Vinh; sạt lở bờ sông Hương đoạn qua các xã Hương Thọ, Hương Hồ, Hương Long, Hương Vinh, Hương Phong. Sạt lở bờ biển khu vực xã Hải Dương, nhất là khu vực cửa biển Thuận An.
|
|
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm và đưa thi thể một nạn nhân trong vụ sạt lở ở Rào Trăng 3 |
Huyện Quảng Điền: Đề phòng sạt lở bờ sông Bồ qua các xã Quảng Phú, Quảng Thọ; sạt lở bờ biển khu vực xã Quảng Công. Huyện A Lưới: Các khu vực cần đề phòng trượt lở đất đá đồi núi, các địa bàn dân cư dọc tuyến quốc lộ 49A qua các xã: Hương Nguyên, Hồng Hạ, Sơn Thủy. Đặc biệt chú ý các điểm trượt lở đoạn qua đèo A Co trên quốc lộ 49A, dọc đường Hồ Chí Minh và các thôn bản trên địa bàn các xã: Hồng Vân, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng Kim, Hồng Thủy, Hồng Bắc, A Ngo, Sơn Thủy, thị trấn A Lưới, Phú Vinh, Hương Phong, Đông Sơn, Hương Lâm, A Đớt, A Roàng. Sạt lở bờ sông A Sáp, sông Bồ, sông Hữu Trạch.
Thị xã Hương Thủy: Đề phòng trượt lở đất đá đồi núi thuộc các xã Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Bằng, dọc tuyến quốc lộ 1A tuyến đường tránh Huế. Sạt lở bờ sông Hương qua xã Dương Hòa, Thủy Bằng. Huyện Nam Đông: Đề phòng trượt lở đất đá đồi núi, mái taluy tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan qua địa bàn huyện, nhất là đoạn qua xã Hương Phú, thị trấn Khe Tre. Đề phòng lũ quét, sạt trượt đất ở các khu vực dân cư ven sườn đồi, sông suối thuộc các xã Thượng Quảng, Hương Sơn, Thượng Nhật, Thượng Lộ, Hương Giang. Các đoạn sạt lở bờ sông ven sông Thượng Nhật, Tả Trạch thuộc địa bàn Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Giang, Hương Sơn, Thượng Lộ, Hương Hòa, thị trấn Khe Tre. Huyện Phú Vang: Đề phòng xói lở bờ biển đoạn thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên; sạt lở bờ sông Hương đoạn qua xã Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Thanh.
Huyện Phú Lộc: Đề phòng trượt lở đất đá đồi núi thuộc các xã Xuân Lộc, khu vực các đèo: Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân; các khu dân cư ven sườn đồi núi thuộc thị trấn Phú Lộc, các xã: Lộc An, Lộc Trì, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Bình, Lộc Vĩnh khu vực Hói Mít - Hói Dừa thuộc thị trấn Lăng Cô; chú ý các điểm sạt lở dọc tuyến đường từ quốc lộ 1A ra cảng Chân Mây, khu vực tuyến đường ven biển mũi Chân Mây Đông, Cù Dù (Lộc Vĩnh). Sạt lở ven sông Bù Lu, xói lở bờ biển khu vực xã Vinh Mỹ, Giang Hải, Vinh Hiền. TP Huế: Lưu ý sạt, trượt sườn đồi dốc trên địa bàn phường An Tây, sạt lở bờ sông Hương đoạn qua phường Thủy Biều, Kim Long,…
Đối với công trình thủy điện, thủy lợi gồm: Hồ Tả Trạch, hồ Bình Điền, hồ Hương Điền, hồ A Lưới, hồ Truồi, hồ Thủy Yên; cụm công trình thủy điện trên sông Rào Trăng gồm: A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4; thủy điện Thượng Nhật (chưa được phép tích nước), thủy điện A Roàng, thủy điện sông Bồ; cụm thủy điện trên sông A Sáp như A Lin Thượng, đập A Lin 3 phải thường xuyên kiểm tra khu vực lòng hồ, ven hồ thủy điện, thủy lợi và đầu mối công trình.
Chú ý kiểm tra, phát hiện nguy cơ sạt lở ven các lòng hồ, trượt lở khu vực đầu mối công trình đầu mối gồm: đập dâng, đập phụ, đập tràn, cống xả sâu, tuy nen, nhà máy thủy điện, tuyến đường ống áp lực, khu nhà điều hành, lán trại, kho bãi, trạm biến áp, khu nhà công nhân vận hành, thi công, xói lở hạ lưu. Đề phòng hiện tượng sạt lở đồi núi ven hồ và công trình đầu mối gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua đập hoặc làm hạn chế thoát lũ qua đập tràn gây sự cố mất an toàn công trình hoặc vỡ đập.