Nếu dân văn phòng bình thường hay học sinh sinh viên đã được nghỉ từ 27/4 thì có những người vẫn sẽ làm việc dù Ngày Quốc tế lao động đang cận kề. Họ cống hiến hết mình cho công việc, cho xã hội...
1. Nhân viên vệ sinh môi trường
Họ là những người giữ gìn sự sạch sẽ của phố phường. Nếu các bạn có thời gian, hãy thử đi quanh Hà Nội hoặc nơi mình sống lúc 1h sáng vào các ngày lễ, thì bạn có thể bắt gặp hình ảnh những người mặc đồng phục dọn vệ sinh môi trường đang trong ca làm việc của mình, họ lặng lẽ, chăm chỉ quét dọn những góc phố, thu gom những đống rác nhiều người đổ lại.
Họ là những người mang lại vẻ đẹp, sự sạch sẽ cho Thủ Đô trong những ngày lễ lớn, là những người lao động miệt mài mà lặng thầm. Họ cống hiến nhưng không hề cần sự tôn vinh, nếu không có họ chúng ta sẽ chẳng có một Hà Nội thanh lịch đẹp đẽ đến vậy.
Và ở đâu cũng thế những người công nhân viên giữ vệ sinh môi trường luôn cần mẫn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bất kể mưa gió, bất kể ngày đêm, cho dù thành phố ngủ thì họ cũng không ngủ. Dù cả nước nghỉ lễ thì những người công nhân viên vệ sinh môi trường vẫn làm việc hết mình.
|
|
Những con người lao động thầm lặng mà chăm chỉ cần cù |
2. Cảnh sát, quân nhân, lính cứu hoả.
Có lẽ nghỉ lễ hay nghỉ tết là điều khá là "xa xỉ" trong suy nghĩ của tất cả những người đã và đang phục vụ trong quân đội và trong các ngành nghề đặc thù như cảnh sát giao thông, lính cứu hoả, công an...
|
|
Túc trực 24/7 vì một kì nghỉ lễ an toàn cho người dân |
Đối với những nghề này thì ngày mọi người nghỉ lễ lại là ngày mà họ càng nhiều việc để xử lý. Bất kể lúc nào, bất cứ nơi đâu, dân cần là có mặt, dân gọi là lập tức đến nơi. Sự có mặt của họ đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản cũng như tinh thần của người dân.
Thử hỏi nếu trong ngày lễ đường dây nóng 113 hay 114 gọi mà không có ai bắt máy hoặc có thông báo “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được” sẽ khiến người dân hoang mang đến độ nào.
Khi mọi người được trở về sum họp bên gia đình, tận hưởng phút giây ấm áp bên người thân thì đó lại là những ngày vất vả hơn cả với lực lượng CSGT. Lưu lượng người tham gia giao thông đông hơn rất nhiều, những va chạm xe cộ, tai nạn giao thông cũng có thể gia tăng, chính vì thế mà cường độ làm việc của CSGT trong những ngày này trở nên cao hơn nhiều so với những ngày bình thường.
Những người làm trong nghề cảnh sát, công an, quân đội, cứu hoả vì vậy cần có sức khỏe, sự dũng cảm và cả sự cống hiến không ngừng.
3. Nghề Y
Những người làm việc trong ngành Y dành phần lớn thời gian của mình trong bệnh viện, phòng khám. Cảnh những y, bác sĩ ăn, ngủ tại bệnh viện luôn là chuyện rất đỗi bình thường. Họ xem bệnh viện như là ngôi nhà thứ 2 của mình.
Người làm việc trong ngành Y luôn phải làm việc với cường độ cao, liên tục cả ngày đêm đến kiệt sức. Rất nhiều người làm việc trong ngành Y không có khái niệm nghỉ lễ, Tết.
Áp lực công việc trong những ngày đó thậm chí còn cao hơn ngày thường, nhất là với các bác sĩ, điều dưỡng ở phòng cấp cứu luôn phải đối diện với tình trạng căng thẳng vì khối lượng công việc cực kỳ cao.
|
|
Giấc ngủ tranh thủ của một bác sĩ giờ giao ca (Nguồn:FB) |
Nếu không làm việc trong ngành Y, thật khó để hiểu hết những vất vả, hy sinh của những y, bác sĩ, từ hệ điều trị cho đến hệ dự phòng, từ các bệnh viện tuyến trên cho đến các trạm y tế. Đối với các y, bác sĩ thì họ không thực sự có ngày nghỉ, lễ tết đi trực là chuyện bình thường. Nếu đã về nhà có điện thoại từ bệnh viện yêu cầu đến là phải đến ngay cũng là chuyện không hiếm gặp.
4. Những tài xế xe bus
Tài xế xe buýt là một trong những nghề không được nghỉ trọn vẹn trong ngày Quốc tế lao động 1/5. Vào những ngày này, họ vẫn phải hoàn thành công việc, hết ca mới được nghỉ.
Đối với xe buýt, một trong những nguyên tắc bắt buộc là phải đúng giờ. Xuất phát đúng giờ và về bến đúng thời gian quy định. Đây là yếu tố mang đến sự tiện lợi của xe buýt với người sử dụng, nhưng đây cũng là áp lực đối với nhiều lái xe. Để đi đúng giờ, nhiều tài xế phải bỏ cả những nhu cầu thiết yếu của mình như ăn, uống, vệ sinh cá nhân… với những lái xe mới vào nghề, việc chậm chuyến là điều dễ hiểu.
Dù là tết âm lịch, tết dương hay bất kì ngày nghỉ nào thì chúng ta vẫn đón được xe buýt vậy nên những người lái xe buýt không có ngày nghỉ trọn vẹn, nhất định phải hoàn thành hết ca làm việc thì những người lái xe buýt mới được trở về đoàn tụ với gia đình.
5. Báo chí
Nghề báo là một nghề phức hợp, có sự đan xen giữa đi, viết và lách. Đi nhiều nơi, có mối quan hệ xã hội rộng rãi và hiểu biết nhiều thứ. Tuy nhiên đây là một trong những nghề khổ cực nhất, gian nan nhất, vất vả nhất, có thể thức thâu đêm đến sáng để thực hiện các bài viết.
|
|
Hình ảnh phóng viên tác nghiệp dưới trời mưa trong một trận đấu của đội tuyển Việt Nam. |
|
|
Phóng viên tác nghiệp bằng thang trong hội nghị Mỹ-Triều vừa qua tại Hà Nội. |
“Nghỉ lễ” là một khái niệm “xa xỉ” đối với những người làm nghề báo, bởi trong bất cứ thời điểm nào thì dòng tin tức cũng luôn luôn chuyển động và cần đưa thông tin đến với công chúng. Chính vì vậy, chuyện ngày lễ, Tết…hay nửa đêm mà có sự kiện, sự việc nào mới diễn ra, phóng viên phải ngay lập tức phải có mặt để tác nghiệp là chuyện hết sức bình thường.
Những người làm nghề báo làm việc vất vả dưới sức ép căng thẳng của công việc và thời hạn. Đặc biệt là ở các tòa soạn báo điện tử hay đài truyền hình, phóng viên phải phải đi nhiều, liên tục chạy theo các sự kiện mới để đem lại tin tức nóng hổi cho độc giả.
Và trong tất cả những nghề kể trên thì bất cứ ai đang làm việc, gắn bó với những nghề đó đều đáng được tôn vinh và kính trọng.