Toàn tỉnh giảm được khoảng 1,2% tỷ lệ hộ nghèo
Ngày 12/5, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 322/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5% trong đó vùng miền núi giảm từ 2-3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Nghệ An cũng đặt mục tiêu thực hiện 7 dự án hỗ trợ, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 là trên 512 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là trên 204 tỉ đồng, vốn sự nghiệp là trên 308 tỉ đồng.
Ghi nhận tại huyện Nghi Lộc cho thấy, công tác giảm nghèo cũng được UBND huyện tập trung chỉ đạo theo hướng giảm nghèo bền vững; quan tâm hỗ trợ các chính sách cho người nghèo như: vay vốn, hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế, tiền điện, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Từng bước giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
|
Xây dựng nhà cho người nghèo tại huyện Nghi Lộc. |
Cụ thể, UBND huyện đã phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức chương trình "Tết vì người nghèo” Quý Mão năm 2023; Vận động từ các đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn được 5.047.120.000 đồng, trao 7.531 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Hỗ trợ quà tết từ ngân sách cho 1.535 hộ với số tiền 230.250.000 đồng. Thực hiện chi trả tiền hỗ trợ nghèo thuộc Người có công theo Nghị quyết số 32/2020/NQ- HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An cho 154 người với số tiền 72.200.000 đồng.
Ngoài ra, tổ chức 6 lớp cho 190 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo học sơ cấp nghề 3 tháng; 930 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi. Phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 743 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh với tổng số tiền 50.463.000.đồng.
100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo đúng quy định với số tiền 1.027.000.000đ; cấp 8.299 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và cận nghèo; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 517 lượt người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 4.352.000.000 đồng. Miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 4.900 lượt em học sinh với số tiền 2.036.000.000 đồng.
Tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ tham mưu xây dựng Kế hoạch vận động ủng hộ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở và tham mưu tổ chức Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025. Tính đến ngày 6/11/2023 đã trao tiền mặt cho 89 hộ với tổng số tiền 4.280 triệu đồng, trong đó xây mới 71 nhà với tổng giá trị 3.835 triệu đồng và sửa chữa 18 nhà với tổng giá trị 445 triệu đồng; 55 nhà đang trong quá trình xây dựng. Tổng hợp, phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,61% xuống 1,91% (giảm 0,7%), đảm bảo theo chỉ tiêu tỉnh giao.
Còn tại huyện Nghĩa Đàn, để đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các chương trình, chính sách giảm nghèo được huyện triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp như: dạy nghề, tạo việc cho lao động nghèo, các chính sách hỗ trợ nhà ở, vốn sản xuất,… UBND huyện đã có nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác giảm nghèo như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nghèo trong công tác xóa nghèo; kết nối, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động…
|
|
Nhờ phát triển nuôi cá bè, nhiều hộ dân ở huyện Quế Phong đã thoát nghèo. |
Có thể thấy, để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận đa chiều, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, thời gian tới huyện sẽ tăng cường hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Nghệ An trong năm qua đã đem lại những hiệu quả thiết thực.
Tại Nghệ An, năm 2023, ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 512,480 tỉ đồng; toàn tỉnh giảm được khoảng 1,2% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó vùng miền núi giảm 2,2%.
|
|
Nhiều người dân nghèo đã được tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phát triển chăn nuôi. |
Thông qua các nguồn vốn thực hiện chương trình, tỉnh xây dựng được 9 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập cho 702 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị Trường Cao đẳng Việt Đức 10,838 tỉ đồng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Trường trung cấp Dân tộc nội trú 10 tỉ đồng.
Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức đào tạo nghề cho 1.015 lao động; tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 40.000 người; tập huấn kiến thức, kỹ năng về phát triển năng lực số cho hơn 350 nhà giáo và cán bộ quản lý; tập huấn kiến thức khởi nghiệp và kỹ năng mềm cho 370 học sinh, sinh viên; thực hiện hỗ trợ xây mới 870 căn nhà cho 868 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo; sửa chữa 100 căn nhà cho 86 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo; bố trí vốn cho 35 công trình thuộc lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, văn hoá...
Năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%
Bước sang năm 2024, với những kết quả đã đạt được trong năm 2023, Nghệ An đề ra mục tiêu năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2 - 3%. Theo đó, những giải pháp được tỉnh đề ra đó là chú trọng hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng nghèo, vùng khó khăn; làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo...
Đồng thời, tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình; đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các tiến độ cụ thể gắn với xử lý, giải quyết các vướng mắc, khó khăn ở cơ sở khi thực hiện chương trình; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.
Năm 2024, tỉnh Nghệ An lên kế hoạch hỗ trợ 95,672 tỉ đồng để xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất.