Hàng trăm tình thế cứu người cấp bách trong cơn lũ lịch sử như thế, đã được Công an Hà Tĩnh dũng cảm liều mình, bất chấp hiểm nguy, vì tính mạng của người dân được đặt lên hàng đầu.

Con số thống kê chỉ là ước lệ, nhưng hàng trăm bệnh nhân, sản phụ trở dạ, người già neo đơn trong căn nhà cấp 4 lũ ngập đến mái, đã được Công an TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên ứng cứu kịp thời. Chỉ riêng TP Hà Tĩnh là gần 100  người, Thạch Hà 175 người được cứu thoát khỏi cửa tử giữa biển lũ mênh mông… Chưa tính hàng nghìn hộ dân, hàng vạn người dân được đưa lên xe, lên thuyền di tản kịp thời.

leftcenterrightdel
 Công an Hà Tĩnh ngược dòng lũ xoáy vào từng ngõ phố cứu dân.

Những phút giây đối mặt với sinh tử

Hồ Bồng Sơn (Công viên trung tâm TP Hà Tĩnh), là rốn lũ của TP Hà Tĩnh trong đợt lũ lịch sử vừa qua. Nơi đây, nước lũ của cả thành phố đổ về, thoát theo kênh, theo dòng sông Cụt. Hồ Kẻ Gỗ xả tràn, hàng triệu m3 nước cũng đổ thẳng xuống đây. Cả vùng khối 1, phường Nam Hà này ngập sâu 2-3m dưới biển nước. Không những thế, đây như điểm hút nước, với dòng lũ chảy xiết theo từng con đường, xoáy vào từng ngõ phố, hút ra phía hồ.

Những tiếng kêu cầu cứu phát ra từ vùng hồ Bồng Sơn cũng gần như nhiều nhất.

leftcenterrightdel
 Công an TP Hà Tĩnh đưa trẻ nhỏ bên hồ Bồng Sơn đi di tản an toàn sau mấy ngày bị cô lập.

Ông Hợi, 70 tuổi, là bệnh nhân lâu năm, những ngày mưa lũ về nhà với con cháu. Sáng 20/10 ông Hợi khó thở, chuyển biến nguy kịch. Không cách gì đưa ông, cha vượt lũ lên bệnh viện cấp cứu. Gia đình gọi điện cầu cứu. Công an Hà Tĩnh cử ngay 1 tổ công tác, với xe tải và ca nô đến.

Đường vào ngập nước, ngõ vào nước chảy xiết. Nhà ông Hợi nước qua cửa sổ, mái tôn chĩa ra như lưỡi dao. Xe không thể vào, ca nô không thể tiếp cận. 3 chiến sỹ dùng dây thừng néo giữ ca nô vào tường nhà dân ngoài ngõ. Dùng thêm 1 sợi dây thừng buộc lưng, mỗi người ôm 1 phao cứu sinh nhảy xuống dòng lũ chảy xiết, bám theo bờ tường rào nhà dân bơi vào tiếp cận.

leftcenterrightdel
 Công an TP Hà Tĩnh đưa người già, trẻ em đi di tản an toàn.

“Phải mất 15 phút lựa chiều nước lũ, tránh những mái tôn chỉa ra có thể cắt vào cổ bất cứ lúc nào, chúng tôi mới đưa được ông Lợi ra, cho nằm lên phao cứu sinh, giật giây thừng để đồng đội đứng ngoài kéo ra. 3 người chúng tôi vừa bơi, vừa bám giữ để bệnh nhân không rơi xuống dòng lũ đang chảy xiết, đưa lên ca nô an toàn, ngược dòng lũ đến bệnh viện cấp cứu” – Đại úy Trần Tiến Dũng kể.

Vừa đưa ông Hợi đến bệnh viện cấp cứu, điện thoại chỉ huy réo vang, phía Hà Huy Tập 1 sản phụ đang trở dạ. Ngõ vào là dòng lũ chảy ngược.

“Vòng lên phía Thạch Tân đi xuống thì không kịp, chúng tôi quyết định liều mình chạy vào ngõ, ngược dòng nước lũ để tiếp cận. Ngõ nhỏ, dòng lũ đổ về chảy xiết như muốn hất ngược ca nô lại. Cũng may, anh Dũng cầm lái cứng tay, sau một hồi vật lộn đã tiếp cận được, đưa sản phụ lên ca nô. Đến bệnh viện, vào phòng cái là sinh luôn. Hú hồn!” – 1 chiến sĩ khác kể.

leftcenterrightdel
 Kịp thời đưa phụ nữ trở dạ đến viện sinh kịp thời.

2 cháu nhỏ nhà ông Quang Dần, nhà nằm sát hồ Bồng Sơn, nơi nước ngập sâu nhất, lũ chảy xiết nhất, xoáy lũ cuồn cuộn nhất, các phương tiện xuồng, ca nô không thể tiếp cận được. Sau 2 ngày bị cô lập, thiếu ăn thiếu uống, cũng đã được Công an phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh liều mình đi ca nô vượt dòng lũ xoáy, vào tiếp tề đồ ăn nước uống, rồi đưa đi di tản kịp thời.

“33 bệnh nhân, 16 sản phụ và rất nhiều người già, trẻ em đã được Công an TP Hà Tĩnh ứng cứu kịp thời như thế. Nếu không, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra” – Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng – Trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết.

leftcenterrightdel
 Công an xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà đưa bệnh nhân vượt lũ đi cấp cứu.

“Tại huyện Thạch Hà, số người được ứng cứu kịp thời trong tình trạng nguy cấp lên đến 175 trường hợp, toàn những người già bệnh nặng, sản phụ trở dạ, trẻ em cần cấp cứu…” – Thượng tá Nguyễn Hoài Việt- Trưởng Công an huyện Thạch Hà kể.

8h đêm ngày 20/10, nước lũ đổ về nhấn chìm xã Tân Lâm Hương dưới 2m nước. Thôn Tiến Bình phát tín hiệu khẩn cấp, 1 cháu bé 6 tuổi con chị Quyên lên cơn co giật, người đã tím tái. Chỉ huy lệnh 1 tổ công tác sử dụng xuồng máy ngược lũ lên tiếp cận, đưa cháu bé đi cấp cứu kịp thời.

leftcenterrightdel
 Công an Thạch Hà giải cứu cụ ông bị liệt khỏi căn nhà ngập lũ.

Thôn Tiền Thượng cũng phát tín hiệu cấp cứu. Cụ ông Hồ Khởi, 80 tuổi, bị liệt 2 chân, không thể di chuyển. Nhà cụ ông lại sát sông Ngàn Mọ, nước lũ dâng cao, đổ về cuồn cuộn.

“Không vào cứu kịp thời, cụ Khởi sẽ bị cuốn ra sông. Lối vào tiếp cận rất khó, xoáy lũ cuộn ca nô xoay như chiếc lá, xung quanh là mái nhà dân, tre, nứa tua tủa đâm ra, chực chờ đâm vào xuồng, vào chiến sĩ. Cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được, phá cửa đi vào, bế cụ ông lên xuồng đưa đến nơi an toàn” – Trung úy Phạm Thế Vũ kể.

leftcenterrightdel
 Di tản người già, người bị liệt, neo đơn đến nơi an toàn.

Thôn Liên Hương, xã Thạch Đài đêm 20/10, là một đêm chiến sỹ Công an không ngủ, với 5 trường hợp tai biến, liệt nửa người, cụt 2 chân được Công an huyện, Công an xã soi đèn, vượt xoáy lũ, vào bế lên xuồng đi di tản, khi nước lũ bắt đầu dâng ngập mái.

“2h30’ sáng, chúng tôi nhận tin cầu cứu ở thôn Liên Hương. Trời tối bưng, tiếng nước lũ chảy về như thác đổ, xung quanh là hàng rào tre nứa chỉa ra… Quyết định lắp thêm đèn pha lên ca nô, chúng tôi ngược dòng lũ vào thôn, đi từng nhà phát ra tín hiệu cầu cứu, để cứu bằng được người dân, như cụ Phúc, SN 1942, bị liệt 2 chân; 2 vợ chồng cụ Tứ, 82 tuổi, bị tai biến nằm liệt giường…” – Đại úy Nguyễn Tiến Bình – Trưởng Công an Thạch Đài kể.

“Cứu dân là mệnh lệnh từ trái tim”

Đây là câu nói người viết nhớ nhất, khi gặp Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng – Trưởng Công an TP Hà Tĩnh để ghi nhận những câu chuyện Công an quên mình cứu người trong trận lũ kinh hoàng vừa qua.

leftcenterrightdel
 Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng trực tiếp ứng cứu, đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại bệnh viện

“Cứu dân là mệnh lệnh từ trái tim. Chứ ngày bình thường, đi ô tô đã khó có thể cứu được nhiều người, cấp phát cứu trợ được 1.300 hộ dân. Đây trong điều kiện lũ ngập toàn thành phố, phải đi xuồng, ca nô, lội bộ vào với dân, thì để làm được điều đó, tinh thần trách nhiệm được phát huy cao độ, mới làm được” – Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng nói.

“Vì tính mạng, tài sản của người dân, vì nhân dân quên mình đã trở thành động lực để 300 cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố chiến thắng giặc nước, cứu dân” – Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng tiếp lời.

Trực tiếp Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng đã ghi nhận sự nỗ lực này của Công an thành phố: “Cấp ủy, chính quyền và nhân dân rất ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, bất chấp hiểm nguy của Công an thành phố trong đợt lũ lịch sử vừa qua. Họ đã sẵn sàng hy sinh, quên mình để cứu dân”.

leftcenterrightdel
 Công an Hà Tĩnh đã ứng cứu, đưa hàng trăm bệnh nhân vượt lũ đi cấp cứu kịp thời.

Về phía Ban giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, Đại tá Lê Khắc Thuyết – Giám đốc cũng rất ghi nhận sự lỗ lực cứu dân, cứu tài sản nhân dân của Công an TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên trong đợt lũ vừa qua.

“Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng, từ lãnh đạo đến cán bộ chiến sỹ chốt các địa bàn trọng điểm mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo và trực tiếp tham gia ứng cứu, quyết không để người dân nào gặp nạn mà không được ứng cứu kịp thời” – Đại tá Lê Khắc Thuyết cho biết.

leftcenterrightdel
 Vượt lũ cứu dân bất chấp đêm tối.

Theo Đại tá Thuyết, đợt lũ lụt vừa qua, Công an tỉnh và Công an các huyện, thị, thành phố tâm lũ đã làm tốt các nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp, chuẩn bị tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ để đối phó kịp thời, không để xảy ra sơ sót.

Trực tiếp lực lượng Công an tham gia phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giúp dân trong sơ tán đảm bảo tuyệt đối an toàn; bảo đảm an toàn khu vực dân sơ tán, tổ chức cứu hộ cứu nạn các trường hợp cấp bách, nguy hiểm. Đồng thời, lực lượng Công an Hà Tĩnh vừa phòng chống bão lụt, vừa tổ chức phòng chống các loại tội phạm lợi dụng thiên tại dịch bệnh để phạm tội.

leftcenterrightdel
 Công an Hà Tĩnh giúp dọn sạch lòng hồ, kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo môi trường sau bão lũ.

Đặc biệt, đã bảo vệ an toàn tuyệt đối Trại tạm giam, trong điều kiện Trại ngập lụt nặng, ngập sâu 2m. Đảm bảo an toàn tuyệt đối can phạm, phạm nhân, hồ sơ tài liệu nghiệp vụ.

“Sau bão lũ, ngập lụt, Công an từ lãnh đạo đến chiến sỹ tăng cường xuống các địa bàn xã phường, thôn xóm, khối phố,trường học để cùng tham gia dọn vệ sinh khắc phục hậu quả bão lụt; tổ chức, hướng dẫn các đoàn viện trợ, cứu trợ cho đồng bào bị bão lụt, đồng thời tổ chức cán bộ chiến sỹ quyên góp, động viên đồng bào, đi thăm hỏi các gia đình bị nặng’ – Đại tá Lê Khắc Thuyết cho biết.

 

Bùi Tiến