Cát Vân là xã vùng cao của huyện Như Xuân (Thanh Hóa), diện tích tự nhiên là 2597,93 ha trong đó đất rừng chiếm 95,3%. Có 4 dân tộc: Thái, Thổ, Mường, Kinh  cùng chung sống, với 2847 nhân khẩu/ 638 hộ/ 6 thôn, có 3,62% hộ nghèo do sức khỏe và tuổi già.

Tốc độ phát triển kinh tế năm 2019 (theo giá so sánh năm 2018) là 17,5%. Tổng giá trị sản xuất đạt 115 tỷ đồng, bằng 105% so với kế hoạch năm. Giá trị thu nhập bình quân đầu người đạt 40,1 triệu đồng/người. Ngành nghề chính của địa phương là sản xuất nông lâm nghiệp và kinh doanh dịch vụ. 

Ngay sau khi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai (giai đoạn 2010-2015), Cát Vân đã triển khai xây dựng NTM. Đảng bộ xã Cát Vân bám sát vào các tiêu chí Chương trình xây dựng NTM theo chỉ đạo của cấp trên. Từ cơ chế chính sách của tỉnh, huyện, HĐND xã đã ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế như: Xây dựng đường giao thông nông thôn, đường điện chiếu sáng công cộng, hỗ trợ giống cây trồng…cho nhân dân trong xã với quyết tâm về đích đạt chuẩn NTM.

leftcenterrightdel
Trụ sở UBND xã Cát Vân

Ông Lê Văn Long - Chủ tịch UBND xã cho biết, để thay đổi nhận thức ngay trong cán bộ và nhân dân việc đầu tiên là cán bộ chuyên môn trực tiếp tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xã đã cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do huyện và Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh tổ chức. Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, Chính sách, pháp luật của nhà nước để nhân dân hiểu và ủng hộ Chương trình xây dựng nông thôn mới trên cơ sở toàn dân đồng lòng, không chờ đợi chính sách đãi ngộ đồng bào vùng cao như nhiều năm trước đó.

Theo đó là bám sát nhiệm vụ chính trị được giao. Các tổ chức đoàn thể vào cuộc đẩy mạnh phong trào thi đua với nhiều chủ đề và hình thức phong phú như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa”, “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh” gắn với tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi", "Nông dân thi đua xây dựng NTM". Phong trào “CCB gương mẫu”, Đoàn TN có phong trào “4 đồng hành và 5 xung kích”, “Thanh niên chung sức XD NTM”...Các phong trào thi đua được đánh giá chất lượng đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã.

Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, thông qua đầu tư hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất đã làm thay đổi thói quen canh tác, nhận thức của nhân dân trong tổ chức sản xuất hàng hóa, thu nhập bình quân đầu người được nâng từ 16,5 triệu đồng năm 2012 lên 40,1 triệu đồng năm 2019.

 Giai đoạn 2016 – 2019, Cát Vân đã huy động tổng kinh phí đã thực hiện: 123,36 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương từ các chương trình là 30,2 tỷ đồng, chiếm 25,3%; Ngân sách tỉnh 9,6 tỷ đồng, chiếm 7,8%; Ngân sách huyện 5,3 tỷ đồng, chiếm 4,3%; Ngân sách xã và các nguồn huy động khác 2,7 tỷ đồng, chiếm 2,2%; Doanh nghiệp 3,3 tỷ đồng, chiếm 2,7%;  Nhân dân đóng góp 71,26 tỷ đồng, chiếm 57,8%. Tổng nguồn lực địa phương huy động trong giai đoạn 2016 - 2019 cao hơn so với giai đoạn 2010 - 2015 là 36 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến 2019,  nhân dân xã Cát Vân đã hiến đất trên 30.000m2 làm đường giao thông, đóng góp nhiều công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Cuối năm 2019 Cát Vân đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM.

Như vậy, sau 8 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM xã Cát Vân đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, làm thay đổi toàn diện tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo đó, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, cơ sở hạ tầng nông thôn tương đối hoàn thiện, chất lượng sống của nhân dân đã được nâng lên.

leftcenterrightdel
 Sau 8 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM xã Cát Vân đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, làm thay đổi toàn diện tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng xã nghèo đạt chuẩn NTM, ông Long cho hay, sau 8 năm xây dựng NTM Đảng bộ xã Cát Vân rút ra bài học và kinh nghiệm đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ và vào cuộc.

Hai là phải chủ động, sáng tạo từng phần việc phù hợp với điều kiện đặc điểm của xã, không dập khuôn, máy móc. Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM. 

Ba là theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”.

Bốn là việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch, việc huy động nguồn lực trong dân theo nhiều hình thức.

Năm là cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo xây dựng NTM phải xây dựng chương trình làm việc, phải phân công mỗi cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm một loại việc và địa bàn cụ thể, tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết. Ban chỉ đạo phải thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ đã giao đối với từng thành viên và các tổ chức đoàn thể.

 

Phạm Ngọc