Nỗi lo bị "hà bá" cuốn trôi

Cuộc sống của người dân hai thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ (xã Vĩnh Hòa) bao đời nay gắn với dòng sông Mã. Trước đây, mỗi khi mùa lũ về lại mang theo lớp lớp phù sa bồi đắp cho cánh đồng ngày càng trở nên trù phú, màu mỡ. Nhưng mấy năm trở lại đây, bà con ám ảnh mỗi khi mùa mưa đến, bởi cùng với đó là tình trạng sạt lở và ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Người dân trong xã cho biết: Hiện tượng sạt lở đã diễn ra nhiều năm, nhưng từ thời điểm tháng 6/2023 đến nay tốc độ diễn ra rất mạnh, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con, đe doạ trực tiếp đến 32 hộ dân khu vực ngoại đê sông Mã. Hiện nay, có những khu vực sạt lở chỉ cách nhà dân trên dưới 70m. 

leftcenterrightdel
 Bà con bất lực nhìn cảnh sạt lở ăn vào đất sản xuất.

Ông Trịnh Đức Tuấn (55 tuổi, trú tại thôn Nghĩa Kỳ) cho biết: "Nhà tôi có hai mẫu đất làm màu, do tình trạng sạt lở thời gian qua, hiện nay, lòng sông đã lấn sâu vào ruộng tới khoảng 200m chiều dài. Tính ra, tôi mất khoảng 7-8 sào đất chứ không ít, mỗi năm thất thu cả vài chục triệu đồng. Trước đây lòng sông nhỏ hẹp, đứng bờ bên này có thể ném viên đá sang được bờ bên kia; trẻ con chăn trâu tắm sông bơi vài vòng không mỏi. Nhưng giờ, sông phình ra gấp mấy lần, ăn sâu vào đất canh tác của bà con".

Bà Vũ Thị Kiệm, cùng thôn ngậm ngùi: "Gia đình tôi chỉ có hơn 800 m2 đất bãi bồi này để sinh kế. Tất cả sinh hoạt, chi tiêu chỉ trông cậy vào mảnh đất này. Nhưng giờ, bờ sông lạt lở liên tục, diện tích của chúng tôi chỉ còn hơn 700 m2. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài mà không có biện pháp khắc phục, chúng tôi không biết lấy đất đâu mà sản xuất. Tôi làm đơn gửi lên các cấp chính quyền mấy tháng nay, chỉ mong các bộ sớm có biện pháp giúp dân nghèo". 

leftcenterrightdel
  Bà Vũ Thị Kiệm thất thần khi nói về hàng trăm m2 của gia đình bị cuốn xuống dòng sông.

Hay như gia đình ông Trịnh Đức Giáo, bao năm ông bà làm ăn tích cóp, thêm phần con cái đóng góp nên mới cất được căn nhà 2 tầng ở trên bờ sông Mã. Trước đây mép sông cách vài trăm mét; giờ sông “ngoạm” vào cả trăm mét chiều dài. Chỉ có 2 ông bà già ở với nhau, nên hằng ngày họ nơm nớp lo âu việc bờ sông sẽ sạt lở đến tận chân vườn, đe doạ tính mạng và ngôi nhà của họ.

Ông Trần Xuân Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hoà thừa nhận: Việc người dân tại 2 thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông phản ánh về việc sạt lở này là đúng sự thật.Tình trạng sạt lở bãi bồi từ những năm trước nhưng vài tháng nay diễn ra nhanh hơn.  Hiện nay, diện tích bị sạt lở của 2 thôn khoảng 12 nghìn m2/15ha (150 nghìn m2) đất sản xuất nông nghiệp. 

Sự cố sạt lở nêu trên hiện đang ảnh hưởng trực tiếp đến 32 hộ dân, với 128 nhân khẩu. Nếu không có biện pháp xử lý khẩn cấp và kịp thời thì trong thời gian tới, khu vực bờ sông sẽ bị sạt lở hoàn toàn và dòng chảy áp sát vào chân đê, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và tính mạng của các hộ dân sinh sống tại khu vực ngoại đê.

leftcenterrightdel
 Tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra nghiêm trọng

Nguyên nhân do đâu?

Theo người dân địa phương cho biết, thời gian qua, các tàu thuyền thi nhau hút cát rầm rộ dọc tuyến sông Mã. Đặc biệt, vị trí sạt lở nói trên nằm ngay sát phạm vi khai thác mỏ cát số 18 của Công ty TNHH Minh Chung (diện tích mỏ cát rộng 7ha). Trong đó, một phần diện tích bờ sông Mã lại nằm trong phạm vi khai thác mỏ cát số 18 được cấp phép.

Bà Vũ Thị Kiệm cho biết thêm: "Chúng tôi nhiều hôm đã phải bỏ công, bỏ việc, thức đêm thức hôm để xua đuổi các tàu thuyền hút cát ngay khu vực sạt lở này. Người dân nhiều lần cũng đã chụp ảnh, quay video để phản ánh với các cấp chính quyền, thậm chí gọi cán bộ xuống hiện trường ngay trong đêm để chứng kiến cảnh các tàu thuyền thi nhau cắm vòi hút cát để có biện pháp xử lý và ngăn chặn”.

leftcenterrightdel
 Vị trí sạt lở nói trên nằm ngay sát phạm vi khai thác mỏ cát số 18 của Công ty TNHH Minh Chung.

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, tổng chiều dài sạt lở bờ sông khoảng trên 600m, trong đó đoạn đi qua khu vực mỏ cát số 18 của Công ty TNHH Minh Chung khoảng 200m; đoạn hạ lưu mỏ cát số 18 (ngoài mốc mỏ) khoảng 400m.

Hiện nay, có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng gồm: 1 điểm thuộc khu vực mỏ cát 18 (tại mốc số M5) chiều rộng sạt lở nơi lớn nhất khoảng 25m, cách khu vực dân cư của thôn Nghĩa Kỳ xã Vĩnh Hòa khoảng 150m; 2 điểm sạt lở ở hạ lưu mỏ cát số 18 (trong đó điểm số 1 cách mốc bê tông M5 khoảng 150m, chiều dài cung sạt khoảng 100m, chiều rộng cung sạt lở là 35m, điểm sạt lở nơi gần nhất đến khu vực đất dân cư sinh sống là 90m; điểm số 2 cách mốc bê tông M5 khoảng 250m, chiều dài cung sạt là 80m, chiều rộng cung sạt là 35m, điểm sạt lở nơi gần nhất đến khu vực đất dân cư sinh sống là 120m).

leftcenterrightdel
 Người dân lo lắng, bất an khi hiện tượng sạt lở ngày càng nhanh.

Sau khi xảy ra sạt lở bờ sông ngày 6/7/2023, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo UBND xã Vĩnh Hòa phối hợp cùng Công ty TNHH Minh Chung thực hiện đóng cọc tre, chèn bao đất để gia cố bờ sông tại những vị trí đang xảy ra sạt lở. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện nay, dọc bãi bồi thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông có nền địa chất chủ yếu là cát và đất phù sa, các mép lở đứng thành và có nhiều vết rạn, nứt, nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra là rất lớn; những chiếc cọc tre, bao tải đất chỉ sau trận mưa lớn là bị cuốn tất thảy xuống lòng sông.

Ngoài ra, theo đánh giá của UBND huyện Vĩnh Lộc, nguyên nhân sạt lở còn do những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra các hình thái thời tiết cực đoan như mưa bão, lũ lụt, hạn hán, giông lốc bất thường làm cho dòng chảy sông Mã không ổn định, mực nước sông thường xuyên thay đổi; đặc biệt do ảnh hưởng của những đợt mưa lớn từ đầu mùa lũ năm 2023 đến nay kết hợp với việc xả lũ của thủy điện Trung Sơn đã gây ra sự cố sạt lở mái bờ tả sông Mã. Tình trạng sạt lở có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là khi có mưa lũ xảy ra, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn các thôn Nghĩa Kỳ, Giang Đông của xã Vĩnh Hòa là rất lớn.

leftcenterrightdel
 Những  chiếc cọc tre, bao tải đất chỉ sau trận mưa lớn là bị cuốn tất thảy xuống lòng sông.
Ông Trịnh Xuân Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc đề nghị: Hiện tại đang vào đỉnh điểm của mùa mưa bão, tình hình sạt lở tại bờ sông Mã xã Vĩnh Hòa diễn biến hết sức phức tạp, để đảm bảo tài sản và tính mạng cho bà con, UBND huyện Vĩnh Lộc đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan thành lập đoàn đánh giá nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Mã thuộc thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông để có giải pháp khắc phục; hỗ trợ UBND huyện khắc phục triệt để sự cố bằng giải pháp thi công công trình kè chống sạt lở khẩn cấp tại khu vực này để ngăn chặn sự cố sạt lở mở rộng.

Mới đây, UBND huyện Vĩnh Lộc cũng đã có văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin hỗ trợ 28,5 tỉ đồng để xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ tả sông Mã đoạn qua xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc.

Được biết, hiện đề xuất trên của UBND huyện Vĩnh Lộc đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan nghiên cứu, có ý kiến đề xuất để UBND tỉnh có căn cứ quyết định.

Bảo Châu