Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng nay (15/10), áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 thành một vùng áp thấp trên khu vực đất liền các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và tan dần.

leftcenterrightdel
 Đà Nẵng ngập úng đô thị lịch sử.

Từ ngày 15/10 đến hết ngày 16/10, ở khu vực từ phía Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi còn có mưa vừa, mưa to và dông. Riêng khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to. Tình hình mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến phức tạp.

Trong ngày 15/10, tại khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai tiếp tục có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Trong 12 giờ tới, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.

Mưa lớn kéo dài đã khiến cho TP Đà Nẵng ngập cục bộ toàn thành phố trong đêm 14/10 và rạng sáng 15/10. Trong chiều và đêm 14/10, các tuyến đường trong thành phố gần như bị chia cắt. Nước lũ dâng nhanh trong đêm, nhiều người dân trở tay không kịp, không thể thoát ra và cần đến lực lượng cứu hộ.

leftcenterrightdel
 Nhiều người dân cố gắng sơ tán đến nơi an toàn.

Trên mạng xã hội facebook, các trang fanpage chính thức của thành phố như Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng, Thông tin Phòng chống thiên tai Đà Nẵng, Tuổi trẻ Công an TP Đà Nẵng… nhiều người đăng bài viết cầu cứu và để lại thông tin liên hệ để mong lực lượng cứu hộ nhanh chóng tiếp cận và cứu hộ khẩn cấp.

Ngay trong đêm 14/10, các lực lượng cứu hộ tại Đà Nẵng huy động toàn bộ lực lượng, khẩn trương ứng cứu người dân tại các khu vực bị ngập. Lực lượng cứu hộ tập trung tại khu vực quận Liên Chiểu, Sơn Trà và một số khu vực thuộc quận Thanh Khê để ứng cứu và đưa nhiều người dân từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

leftcenterrightdel
 Nhiều nơi tại Đà Nẵng biến thành biển nước trong chiều tối 14/10.

Nhiều người dân sống tại Đà Nẵng tỏ ra rất bất ngờ khi thành phố ngập cục bộ như vậy. “Tôi ở Đà Nẵng 20 năm nay bây giờ mới thấy thành phố ngập toàn diện và kinh khủng như vậy”, anh Phạm Ngọc Thạch trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng cho biết.

Theo thông tin từ các địa phương từ chiều 14/10, tại Đà Nẵng nhiều tuyến đường chính trên địa bàn quận Hải Châu bị ngập nặng, nhiều nhà dân bị nước ngập sâu khiến việc di chuyển của người dân là rất khó khăn. Nhiều tuyến đường ngập sâu khiến người dân không thể di chuyển bằng các phương tiện xe máy, ô tô. Cả 6 phường trên địa bàn quận Cẩm Lệ đều bị ngập sâu, có nơi sâu hơn 1,5m.

leftcenterrightdel
 Một điểm sạt lở đường trên địa bàn quận Sơn Trà.

Quận Liên Chiểu gần như ngập toàn bộ, có nơi ngập sâu gần 2m. Huyện Hòa Vang, có hơn 70 thôn thuộc 10 xã bị ngập nặng; có đoạn Quốc lộ 14B ngập từ 1-1,5m.

Tính đến sáng nay, 15/10 TP Đà Nẵng chưa ghi nhận thiệt hại về người do ngập úng đô thị. Trong đêm, 14/10 lực lượng cứu hộ đã cứu hộ thành công 58 người làm rừng ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đến nơi an toàn. UBND huyện Hòa Vang cũng đã đã sơ tán 627 hộ dân (1.432 người) nằm trong vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

leftcenterrightdel
 Hầm Hải Vân tạm thời ngừng lưu thông do đất đá trên núi đổ xuống lấp đường.

Quận Thanh Khê sơ tán 30 người tại khu vực Khe Cạn; tất cả các phường đã huy động lực lượng dân quân đội hỗ trợ người dân sơ tán. Quận Sơn Trà đã sơ tán được 69 người dân đến nơi cao ráo, an toàn...

Đến sáng 15/10, TP Đà Nẵng tạm thời ngớt mưa, nước ngập ở các tuyến đường đã rút dần. Tuy nhiên vẫn còn một số tuyến đường và một số khu vực trũng thấp nước vẫn còn ngập sâu. Các lực lượng chức năng tại Đà Nẵng vẫn tiếp tục sẵn sàng cứu hộ và ứng cứu với mưa lũ.

X.N