leftcenterrightdel
 Lễ hội Hoa phượng đỏ. Ảnh: HPGOV

Năm 2024 là năm thứ 11 Lễ hội Hoa phượng đỏ được tổ chức và gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2023). Đây là sự kiện quan trọng để quảng bá về con người và vùng đất Hải Phòng, khẳng định những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Hải Phòng đã đạt được; xây dựng thương hiệu, tạo tiếng vang và dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng trong nước và quốc tế và để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt Nhân dân thành phố và du khách thập phương.

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao tiêu biểu và hưởng ứng đều bám sát chủ đề Lễ hội để làm bừng sáng lên một miền di sản được tổ chức trên nhiều địa bàn thành phố như: Lễ trao nhận Quyết định, Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn, huyện An Lão (tại Di tích quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn, huyện An Lão); Trưng bày Bảo vật quốc gia (tại Bảo tàng Hải Phòng); Triển lãm “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” (tại Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm); Trình diễn di sản văn hoá phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh (tại Quảng trường Nhà hát thành phố); Chương trình "Không gian văn hóa đình làng Hải Phòng xưa" (tại Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Hàng Kênh); Liên hoan Múa rối Hải Phòng mở rộng lần thứ 2 với chủ đề “Hải Phòng - Sắc màu di sản” (tại Quảng trường Nhà hát thành phố và Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Hàng Kênh); Liên hoan nghệ thuật “Đờn ca tài tử” – di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (tại Quảng trường Nhà hát thành phố); Trưng bày triển lãm sách, báo chủ đề: “Sách kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai” (tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố); Trưng bày ảnh nghệ thuật, mỹ thuật với chủ đề “Hải Phòng - Kết nối miền di sản” (tại Trung tâm Văn hóa thành phố); Biểu diễn Võ thuật cổ truyền và biểu diễn các môn Kéo co, Đẩy gậy; Lễ hội áo dài năm 2024 với chủ đề “Về miền di sản cửa biển” ...

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 được tổ chức tại không gian và địa điểm mới là quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị - Hành chính tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng với mặt bằng có sức chứa lên đến đến 18.000 người (dự kiến ghế dành cho đại biểu tham dự gần 10.000 ghế); các khu vực phụ trợ được bố trí riêng biệt, bảo đảm an toàn như: khu vực tác nghiệp báo chí, truyền hình, khu vực kỹ thuật... ; Giao thông thuận lợi, thông thoáng so với 10 kỳ lễ hội đã tổ chức tại Quảng trường Nhà hát thành phố. 

Việc tổ chức tại đây còn khẳng định rõ tầm nhìn, sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo thành phố trong việc mở rộng không gian đô thị, công nghiệp, dịch vụ năng động, hiện đại, là thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là động lực phát triển cùa vùng Bắc Bộ và của cả nước. Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 được tổ chức tại đây là sự kiện mở đầu cho các sự kiện chính trị, văn hoá lớn ngoài trời của đất nước và thành phố trong tương lai.

Ngoài chương trình Đêm hội, tại đây sẽ diễn ra hoạt động triển lãm với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” và các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan về Lễ hội.

Khoảng cách từ trung tâm thành phố đến Khu đô thị mới Bắc sông Cấm là gần 2km, thuận lợi về giao thông đi lại. Không gian và quy mô Lễ hội hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những trải nghiệm, ấn tượng thú vị. 

Tại Quảng trường Nhà hát thành phố, một sân khấu được lắp dựng để phục vụ cho chuỗi hơn 30 sự kiện văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao xuyên suốt từ ngày 30/4 đến ngày 1/6/2024.

Với đa dạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao nhằm tạo không gian văn hoá sắc màu vui tươi, thể hiện lời mời gọi, chào đón “Về với miền di sản” tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế như: Liên hoan Múa rối Hải Phòng mở rộng lần thứ 2 với chủ đề “Hải Phòng - Sắc màu di sản”; Liên hoan nghệ thuật “Đờn ca tài tử” Hải Phòng mở rộng với sự tham gia của Đoàn Cải lương Hải Phòng; Nhà hát Cải lương Việt nam; Nhà hát Cải lương Hà Nội; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai…;Trình diễn di sản văn hoá phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh; Chương trình trình diễn thời trang “Duyên dáng người Hải Phòng”; Trình diễn nghệ thuật Chèo - Di sản  vùng Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam; Lễ hội áo dài năm 2024 với chủ đề “Về miền di sản cửa biển”; Chương trình trình diễn thời trang, ca nhạc “Tôn vinh bản sắc Việt”; Giải Thể hình, Sport Physique Hải Phòng mở rộng - Cúp Hoa Phượng Đỏ năm 2024… do các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, các đơn vị nghệ thuật trung ương, Nhà hát các tỉnh, thành phố bạn (Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát Phương Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai…); các đơn vị tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp (Công ty Giải trí Việt, Công ty Five entertainment, Công ty FONIX.....) thực hiện. 

Đặc biệt, trong chuỗi các hoạt động tại Quảng trường Nhà hát thành phố còn có sự tham gia của Đoàn Nghệ thuật Nam Ninh Trung Quốc.

Với không gian dành cho tổ chức sự kiện lớn nhất từ trước đến nay (bao gồm cả sân khấu và không gian dành cho khán giả), lượng khán giả mời tăng gấp rất nhiều so với 10  kỳ Lễ hội trước. Trong đó, ngoài khách mời là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn, các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế, khách mời của thành phố năm 2024 mở rộng đến các xã, phường thị trấn và dành một lượng lớn giấy mời Nhân dân thành phố Hải Phòng, đặc biệt là địa bàn nơi tổ chức sự kiện.

Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024  là Khai mạc lễ hội và đón nhận danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO - Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật tổ chức từ 20h00’ ngày 11/5/2024 (Thứ Bảy) tổ chức tại Quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị - Hành chính thuộc Khu Đô thị Bắc sông Cấm, chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và tiếp sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng và một số Đài truyền hình các tỉnh, thành phố bạn. Kết thúc chương trình là màn pháo hoa tầm thấp và tầm cao kéo dài 15 phút.

Với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản”, Chương trình nghệ thuật đêm hội được dàn dựng với chất lượng nghệ thuật cao. Thể hiện các giá trị, nét đặc trưng tiêu biểu nhất về huyền thoại, lịch sử, di sản văn hoá, hình ảnh, con người Hải Phòng bằng thực cảnh, kết hợp cùng công nghệ AR (Augmented Reality - thực tế ảo) và màn trình diễn của các nghệ sĩ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố (Dàn nhạc dân tộc Việt Nam, Dàn kèn đồng Trung ương, NSND Khánh Hòa, các ca sỹ: Mỹ Linh, Thanh Lam, Thu Phương, Đen Vâu, Isacc, Anh Tú, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh… cùng gần 1000  nghệ sỹ diễn viên )

Tổng thể sân khấu lấy cảm hứng từ hình tượng bông hoa phượng bừng nở, tạo cảm quan thưởng ngoạn ở nhiều góc độ khác nhau về một Hải Phòng mạnh mẽ, ngập tràn sức sống. Phô diễn và nêu bật dấu ấn trọng đại, thành tựu quan trọng trong hành trình xây dựng, phát triển thành phố. Điểm đặc biệt của sân khấu là khán giả ngồi ở bất cứ vị trí nào cũng có thể hình dung được hình tượng xuyên suốt mà chương trình muốn khắc họa. Các cánh phượng được uốn tạo hình vươn lên, khớp với các tòa nhà công trình hiện đại của Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng, tạo ra sự hoà hợp tương hỗ cùng những biến chuyển ấn tượng với nhiều lớp diễn từ cao xuống thấp cho cảm giác xa gần, đồng thời biểu thị việc kết nối trục thời gian: Quá khứ, hiện tại, tương lai của miền đất nơi cửa biển.

Đêm hội hứa hẹn sẽ mang đến cho các đại biểu, khán giả và du khách những ấn tượng, cảm nhận sâu sắc về miền đất nơi cửa biển tươi đẹp, kỳ thú, giàu bản sắc văn hóa và đầy thân thiện, mến khách.

Lần đầu tiên chương trình đêm hội đươc thành phố tổ chức bắn pháo hoa cả tầm thấp và tầm cao và là chương trình đêm hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Hải Phòng (cả về sân khấu, khán giả, khán đài...).

 

Khánh An