Được biết, tại Lễ khai hội Chùa Thầy năm 2024, du khách thập phương sẽ được xem màn trình diễn ánh sáng của 200 chiếc Drone xếp hình, xếp chữ lung linh huyền ảo trên bầu trời khu Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai).

Theo kế hoạch, tối thứ sáu ngày 12/4/2024 (Tức ngày 4/3 âm lịch), UBND huyện Quốc Oai sẽ tổ chức Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai hội chùa Thầy; khai mạc Tuần văn hóa du lịch huyện Quốc Oai năm 2024.

leftcenterrightdel
 Phong cảnh Chùa Thầy. Ảnh: CTV

Đây là một chuỗi sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, góp phần động viên sức mạnh toàn dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho mọi tầng lớp Nhân dân.

Tại Lễ khai hội Chùa Thầy năm nay, Nhân dân trong và ngoài huyện Quốc Oai sẽ được xem màn trình diễn ánh sáng bằng thiết bị bay Drone, với 200 chiếc máy bay không người lái được lập trình bay lên bầu trời xếp hình, xếp chữ lung linh huyền ảo.

Ngoài ra, chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Quốc Oai - Khơi nguồn di sản” kết hợp với trình diễn âm thanh, ánh sáng theo công nghệ hiện đại được tổ chức lần đầu tiên tại huyện Quốc Oai hứa hẹn sẽ là màn siêu trình diễn hoành tráng, mãn nhãn, chưa từng có dành cho người dân huyện Quốc Oai và du khách trong Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai hội chùa Thầy.

Theo Ban tổ chức, để bảo đảm an ninh, an toàn cho lễ khai hội, Ban CHQS huyện Quốc Oai phối hợp hiệp đồng với Công an huyện Quốc Oai và các lực lượng chức năng tham gia bảo vệ. Đặc biệt là kiểm soát các thiết bị máy bay không người lái thực hiện quay phim, chụp ảnh trên không khi chưa được cấp phép, xử lý theo quy định của pháp luật. Triển khai lực lượng sẵn sàng đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phân luồng giao thông phục vụ buổi lễ.

Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy là nơi lưu dấu tu hành của một vị Cao Tăng thời Lý có tên Từ Đạo Hạnh. Cảm phục trước những công lao to lớn của Ngài vì đã dạy học, hái thuốc giúp dân nghèo và dạy cho nhân dân quanh vùng nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nên người dân trong vùng đã kính trọng gọi Ngài bằng Thầy. Ngôi làng Ngài tu được gọi là làng Thầy, chùa Ngài tu gọi là Chùa Thầy, núi Ngài hóa gọi là núi Thầy, thậm chí cả tổng đó còn được gọi là tổng Thầy.

Như Ý