Đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Cùng chủ trì Hội thảo còn có PGS,TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; TS Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí trung ương và địa phương, các diễn giả, giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các cơ sở đào tạo báo chí uy tín trong cả nước…

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nêu rõ, một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được xem như là một chìa khóa để mở ra con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại. Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo, theo đó mô hình “tòa soạn số” trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí thế giới nói chung, cơ quan báo chí Việt Nam nói riêng.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí, đặc biệt là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn; chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm. Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.

leftcenterrightdel
 Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết thêm, trong số những công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay thì nổi bật là vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) trong quản lý tòa soạn số, trong tổ chức sản xuất sản phẩm cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông. Trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2023 dịp đầu Xuân năm nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “AI trong quản trị nội dung toà soạn", bước đầu giới thiệu về trí thông minh nhân tạo, đặc biệt là Chat GPT, cũng như những cơ hội và thách thức đối với báo chí.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” ngày hôm nay, bên cạnh việc tiếp tục công bố các nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng AI sẽ giới thiệu về blockchain, mở rộng bàn luận nhằm tìm kiếm các sáng kiến ứng dụng công nghệ số trong mọi bước, mọi khâu, mọi lớp cấu trúc của toà soạn số, thực tiễn và kinh nghiệm quản trị toà soạn số ở các cơ quan báo chí - từ vấn đề quản trị tác quyền và sở hữu trị tuệ, đến phân phối và quản lý nội dung, quản trị nhân sự, quản trị công nghệ, quản trị kinh doanh và kinh tế báo chí. Hội thảo cũng chú trọng bàn tới chủ thể số, nền tảng số và các công cụ số cho sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phân phối và kinh doanh các loại hình báo chí số như: báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động. 

Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đề nghị các nhà khoa học, quý vị đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề đó là: Làm rõ luận cứ khoa học của nội hàm “tòa soạn số”. Trong đó làm rõ các khái niệm về “tòa soạn số”, đặc biệt trong bối cảnh hội tụ và tích hợp dựa trên công nghệ số tại các cơ quan báo chí hiện nay. Đồng thời, bàn luận và chỉ ra những vấn đề mới đang đặt ra cần phải tiếp tục nghiên cứu đối với xây dựng tòa soạn số ở Việt Nam hiện nay. 

Làm rõ nội hàm khoa học của công nghệ chuỗi khối (blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí truyền thông hiện nay, đặc biệt trong công tác quản lý các cơ quan báo chí, quản lý các sản phẩm báo chí truyền thông.

Làm rõ về hành lang pháp lý về báo chí số và tòa soạn số, đặc biệt là chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng để hướng tới “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

leftcenterrightdel
 Diễn giả trình bày tại Hội thảo.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để thực hiện chuyển đổi hoạt động của tòa soạn của các cơ quan báo chí hướng tới xây dựng mô hình tòa soạn số tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay. 

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đề nghị các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí của mình như thế nào. Đây sẽ là gợi mở về cách thức triển khai mô hình tòa soạn số, trong đó có công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo, từ đó góp phần thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số cơ quan báo chí và hướng tới một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như Nghị quyết Đại hội  Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. 

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh tin tưởng, phát huy trí tuệ, tinh thần thảo luận dân chủ, khoa học, Hội thảo sẽ đạt được mục tiêu khoa học và nghiệp vụ báo chí truyền thông, đi sâu một cách chất lượng vào lĩnh vực công nghệ số và tòa soạn số. 

Tại Hội thảo đã diễn ra 2 phiên họp. Cụ thể, Phiên 1 có nội dung “Giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số” với sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia công nghệ. Nội dung các tham luận tập trung vào các nội dung: Toà soạn số trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam hiện nay, Ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản trị toà soạn số, Ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa, Ứng dụng AI trong quản trị nội dung số.

Phiên thứ 2 có chủ đề “Thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số ở Việt Nam”. Các diễn giả, khách mời và đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến cùng thảo luận về các nội dung: AI “đe doạ” nhà báo mất việc? Cách Đài Truyền hình TPHCM (HTV) ứng dụng sản xuất thời sự trên thế mạnh của trí thông minh nhân tạo; một số mô hình toà soạn số và phân phối nội dung đa nền tảng ở Ban Thời sự - Đài Tiếng nói Việt Nam; Quản trị kinh doanh nội dung số tại VTV Digital; Chiến lược xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành báo chí Đông Nam Á…

Hội thảo đã diễn ra trong một buổi sáng và thành công tốt đẹp, là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng công nghệ trên thế giới, xu thế tất yếu hình thành những mô hình về tòa soạn số trên thế giới nói chung và các cơ quan báo chí ở Việt Nam nói riêng; thảo luận về những giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số; thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số ở Việt Nam.

PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Đây là hội thảo rất lớn trong mảng chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông, những người làm báo cả nước và cả các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ cùng trao đổi về ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí, chia sẻ những mô hình tòa soạn số ở Việt Nam hiện nay cùng những giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn. Chỉ một thời gian ngắn, Hội thảo đã nhận được 12 tham luận từ chuyên gia công nghệ, nhà báo, các nhà quản lý báo chí gửi về Ban Tổ chức. Điều này cho thấy chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay”.

 

P.V